Nâng cao ý thức phòng, chống dịch cúm gia cầm

Lương Hạnh 08:45, 15/04/2023

Thời gian gần đây, tại nước láng giềng Campuchia đã phát hiện 1 trường hợp tử vong do nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh vào nước ta rất cao. Điều này gây lo ngại cho các hộ chăn nuôi và cả người tiêu dùng. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên cùng bà con nông dân đã và đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm duy trì sản xuất ổn định, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

Để phòng, chống dịch cúm gia cầm, chị Phạm Mai Chi, ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn gà hơn 5.000 con.
Để phòng, chống dịch cúm gia cầm, chị Phạm Mai Chi, ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho hơn 5.000 con gà của gia đình.

Thái Nguyên là địa phương có số lượng đàn gia cầm lớn, với khoảng 14,7 triệu con. Do đó, tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, bởi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn (60%), chưa bảo đảm tốt các yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh. Thêm vào đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, tự phát, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.  

Nhận thức về nguy cơ này, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên đã chủ động giám sát, phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình chăn nuôi, khuyến cáo bà con tiến hành tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi và tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm. Theo đó, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã nâng cao ý thức cao ý thức phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Là một trong những hộ chăn nuôi gà lâu năm, gia đình chị Phạm Mai Chi, ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) luôn ý thức và thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch cúm gia cầm để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, không ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và những người xung quanh. Hiện, trang trại của gia đình chị đang nuôi hơn 5.000 con gà/lứa.

Chị Chi cho biết: Nhà tôi luôn tiêm vắc-xin đầy đủ cho đàn gà và thực hiện khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh; đồng thời, hạn chế không cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi. Ngoài ra, sau mỗi lứa xuất bán, tôi cũng để trống chuồng 15 ngày để tổng vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc, sau đó mới tái đàn lứa mới.

Song song với việc tập trung triển khai tiêm vắc-xin, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm, các địa phương trong tỉnh cũng tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, xử lý các trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm; tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, tuy nhiên dịch bệnh đã xuất hiện rải rác ở một số tỉnh, thành trong cả nước nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Do vậy, cùng với việc phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của cúm A/H5N1 để bà con nâng cao ý thức phòng bệnh...

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, khi phát hiện gia cầm ốm, chết, bà con cần thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý, tuyệt đối không mua bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết. Đối với người tiêu dùng, không sử dụng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc và phải đảm bảo ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, khi có biểu hiện bị cúm (như sốt, ho, đau ngực, khó thở...) có liên quan tới tiếp xúc với nguồn gia cầm bị bệnh, chết, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.