Không để nắng nóng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất

Khánh Thiện 10:05, 17/07/2023

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nắng nóng gay gắt đã diễn ra nhiều ngày qua tại khu vực Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Với nền nhiệt độ ngoài trời cao 38-39 độ C khiến công việc nhà nông thêm phần nhọc nhằn. Bà con nông dân đã có nhiều giải pháp ứng phó để chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Nhiều hộ dân trong tỉnh dùng máy bơm nước từ ao, hồ để tưới chè, cây ăn quả trong những ngày nắng nóng.
Nhiều hộ dân trong tỉnh dùng máy bơm nước từ ao, hồ để tưới chè, cây ăn quả trong những ngày nắng nóng (ảnh chụp tại xã Minh Đức, TP. Phổ Yên).

Đợt nắng nóng gay gắt diễn ra vào thời điểm bà con nông dân trong tỉnh đang tập trung gieo cấy lúa mùa cho kịp khung thời vụ. Bởi vậy, người dân đã tranh thủ xuống đồng làm việc từ sáng sớm và chiều muộn để tránh nắng.

Bà Nguyễn Thị Thủy, ở xóm Phố, xã Phú Thịnh (Đại Từ), chia sẻ: Để nắng nóng không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, gia đình tôi đã thuê máy cày, bừa và đổi công cấy với các hộ dân trong xóm. Chúng tôi xuống đồng từ 4 giờ và trở về nhà lúc 9 giờ sáng, khi trời bắt đầu nắng gắt. Công việc buổi chiều cũng bắt đầu muộn hơn. Sau khi cấy, tôi thường xuyên ra đồng để kiểm tra mực nước, bởi trong thời tiết nắng nóng, nếu để ruộng nứt nẻ, thiếu nước thì lúa mới cấy dễ bị chết.

Cũng giống như bà Thủy, nhiều hộ dân trong tỉnh đã tranh thủ ra đồng từ tờ mờ sáng để kịp gánh mạ, cấy lúa đúng khung thời vụ. Tính đến ngày 15-7, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 34.400/38.200ha lúa mùa, đạt 90% diện tích.

Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, do nền nhiệt độ tăng, một số diện tích lúa trên chân ruộng cao bị hạn cục bộ. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc lúa ngay sau cấy cũng bị ảnh hưởng do việc bón phân phải chậm lại.

Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần giữ nước ngập mặt ruộng đối với các ruộng lúa đã cấy và chuẩn bị cấy. Đối với diện tích gieo sạ, cần bơm nước ngập sâu mặt ruộng vào ban ngày và tháo cạn vào đêm. Ngoài ra, trong vụ mùa hay xảy ra mưa bão nên bà con cần khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng và các đầu khâu, đầu cống, sẵn sàng tiêu nước nếu gặp mưa úng sau gieo cấy và có giống gieo bổ sung kịp thời…

Người dân xóm Cây Sơn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) bọc vỏ quả ổi để tránh tình trạng rám nắng.

Đối với các hộ trồng cây ăn quả, bà con cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, giữ được năng suất và chất lượng đến cuối vụ.

Để hạn chế tình trạng thoát hơi nước, giảm khô nóng cho các loại cây đang thời kỳ nuôi quả non (như: bưởi, na, nhãn, ổi…), nhiều hộ dân đã dùng rơm rạ, cỏ khô vùi vào gốc. Đồng thời, bà con tập trung tỉa bớt quả trên những chùm sai, tỉa các quả nhỏ, tiến hành tưới nước đẫm và bón bổ sung kali để tăng độ ngọt cho quả, đảm bảo chất lượng đến cuối vụ.

Anh Nguyễn Phi Hân, ở xóm Cây Sơn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), cho hay: Trời nắng gắt, quả ổi sẽ bị rám, ăn có vị chát và rất dễ bị ong châm. Vì thế, ngay từ khi quả còn non, nhà tôi đã tiến hành bọc vỏ và chú trọng khâu chăm sóc, tưới nước vào sáng sớm để cây không bị khô hạn. 

Ngoài những tác động tiêu cực tới lĩnh vực trồng trọt, nắng nóng cũng ảnh hưởng nhất định tới hoạt động chăn nuôi, nhất là những hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ và chăn thả.

Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt gần 637 nghìn con, đàn gia cầm ước đạt 15,2 triệu con. Trong đó, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 60%. Thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường và chuồng nuôi cao khiến đàn vật nuôi giảm ăn, sức đề kháng giảm, rất dễ mắc các bệnh như cúm trên đàn gia cầm; tụ huyết trùng, tiêu chảy trên đàn gia súc và các bệnh truyền nhiễm khác, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Vì thế, giải pháp được các hộ chăn nuôi áp dụng là: giãn mật độ nuôi phù hợp, bảo đảm đủ nước cho vật nuôi; giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun nước lên mái để giảm nhiệt và bổ sung quạt làm mát.

Thực tế hiện hay, điều đáng lo ngại nhất đối với các trang trại chăn nuôi tập trung trong mùa nắng nóng đó là tình trạng mất điện. Bởi vậy, nhiều hộ dân đã chủ động mua máy phát điện để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết, bảo đảm duy trì việc giữ mát cho khu chuồng trại chăn nuôi.

Hiện nay, mặc dù chưa gây thiệt hại nào đáng kể đối với sản xuất, tuy nhiên, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Chăn nuôi. Bởi chi phí sẽ tăng cao và tốc độ tăng trọng lượng của đàn vật nuôi bị chậm lại, dịch bệnh dễ bùng phát.

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản khuyến cáo bà con tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm hạn chế mầm bệnh; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Cùng với đó, bà con giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, cho ăn đủ chất để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, khi phát hiện gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, bà con cần báo cho cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý, tuyệt đối không được bán chạy, không vứt xác động vật ra ngoài môi trường, dễ làm lây lan dịch bệnh...

Từ thực tế có thể thấy, do thời tiết nắng nóng nên bà con nông dân vất vả hơn với công việc nhà nông, chi phí sản xuất cũng tăng, nhưng không vì thế mà bà con lơ là với công việc. Để thích ứng, người dân đã linh hoạt “trốn” nắng nhằm đảm bảo sức khỏe, duy trì sản xuất theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.