Ứng phó với nắng nóng, hạn hán

Lương Hạnh 10:22, 05/06/2023

Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh xuất hiện nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ ngoài trời ở mức 38-39 độ C. Bên cạnh đó, do ít mưa nên tại các hồ chứa nhỏ, sông suối cũng bị thiếu hụt nước, dẫn đến nguy cơ xảy ra hạn hán trong thời gian tới.

Do thời tiết nắng nóng, ít mưa nên nhiều hộ nông dân phải dùng máy bơm và đường ống để dẫn nước chăm sóc cây trồng.
Do thời tiết nắng nóng, ít mưa nên nhiều hộ nông dân phải dùng máy bơm và đường ống để dẫn nước chăm sóc cây trồng.

Từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa phổ biến trên cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Theo đó, mực nước tại nhiều hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện đang ở mức thấp.

Khảo sát tại công trình hồ Núi Chẽ, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) cùng các cơ quan chức năng, chúng tôi nhận thấy mực nước hồ đã hạ thấp xuống dưới cửa xả.

Anh Tạ Văn Nguyện, Cụm trưởng cụm khai thác thủy lợi hồ Nước Hai (TP. Phổ Yên), chia sẻ: Do thời tiết ít mưa nên mực nước hồ Núi Chẽ hiện chỉ đạt 5% so với dung tích thiết kế. Còn đối với hồ Nước Hai do chúng tôi quản lý cũng chỉ đạt 30%. Thời gian tới, nếu thời tiết tiếp tục không có mưa thì khả năng 2 hồ sẽ không đủ nước cung cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Thoại, một hộ dân ở xóm Đậu, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên), bộc bạch: Vụ mùa năm nay, nhà tôi cấy 5 sào lúa. Do mực nước ở cụm hồ Nước Hai hạ thấp nên để có đủ nước sản xuất, nhà tôi phải dùng máy bơm từ lòng hồ chảy ra hệ thống kênh mương rồi dẫn về ruộng. Chi phí sản xuất vì thế cũng sẽ tăng cao hơn.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, do lượng mưa ít, một số hồ nhỏ trên địa bàn tỉnh đều đang trong tình trạng trữ lượng nước thấp. Trong đó, có thể kể tên một số hồ như: Hồ Thâm Quang, xã Hợp Thành và hồ Đầm Mèng, xã Ôn Lương (Phú Lương) đạt 25% dung tích thiết kế; hồ Ao Mật, xã Hoàng Nông và hồ Đồng Trãng, xã Yên Lãng (Đại Từ); hồ Trại Đèo, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) đạt 8-9% dung tích thiết kế; hồ Bạch Thạch, xã Tân Kim (Phú Bình) đạt 20% dung tích thiết kế... Nếu nắng nóng kéo dài, thời tiết không mưa trong những ngày tới, toàn tỉnh sẽ có hàng trăm ha đất nông nghiệp thiếu nước tưới.

Hiện nay, mực nước hồ Núi Chẽ, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) chỉ đạt 5% so với dung tích thiết kế.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: Tính đến cuối tháng 5, trữ lượng nước ở các hồ chứa do Công ty quản lý đạt 30-60% dung tích thiết kế. Trong đó có một số hồ chứa nhỏ chỉ đạt dưới 30% dung tích thiết kế.

Trước tình hình trên, để chủ động các giải pháp đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Xí nghiệp khai thác thủy lợi Núi Cốc, trạm trưởng trạm khai thác thủy lợi các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tích nước ở các hồ chứa khi có mưa.

Cùng với đó, đơn vị yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn nước tại các hồ chứa, chỉ được mở nước phục vụ sản xuất, tuyệt đối không được mở nước phục vụ các yêu cầu khác. Ngoài ra, căn cứ vào thời vụ sản xuất, nhu cầu dùng nước đối với từng loại cây trồng, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng lịch mở nước và điều tiết, dẫn nước hợp lý đối với từng tuyến kênh, hạn chế tối đa việc thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Trước những diễn biến bất thường của tình hình thời tiết, trong tháng 5, UBND tỉnh cũng đã có Công điện về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, trên cơ sở đó hướng dẫn chuyển đổi cây trồng phù hợp. Đồng thời yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn do cấp huyện quản lý; điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó ưu tiên nguồn cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.

Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nắng nóng, hạn hán đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với sự vào cuộc của các ngành, cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng tiết kiệm điện, nước và có biện pháp chủ động ứng phó trong sản xuất, sinh hoạt. Từ đó góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và bảo vệ sức khỏe của con người cũng như gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng...


Từ khóa:

nắng nóng

hạn hán

ứng phó