Tích tụ đất đai: Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

Vũ Công 10:47, 02/06/2023

Những năm gần đây, do già hóa dân số, thiếu lao động ở nông thôn nên nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không phát huy được hiệu quả. Từ thực tế đó, nhiều nông dân đã và đang mạnh dạn đầu tư thuê lại đất để sản xuất trên quy mô lớn, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Anh Hùng và các hộ dân kiểm tra sâu bệnh ở khu trồng chuối tiêu hồng rộng gần 3ha.
Anh Trần Văn Hùng (đứng trên, bên trái), xóm Tân Ấp 2, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) cùng các hộ khác kiểm tra sâu bệnh ở khu trồng chuối tiêu hồng rộng gần 3ha.

Với mong muốn có diện tích lớn hơn để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, cuối năm 2022, gia đình anh Trần Văn Hùng, ở xóm Tân Ấp 2, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) cùng với 2 hộ dân khác trong xóm đã thuê lại gần 3ha đất đồi của một hộ dân ở xóm 7, với giá 20 triệu đồng/ha/năm, để trồng chuối tiêu hồng.

Trước khi cho thuê đất, trên diện tích này người dân trồng keo nhưng không hiệu quả. Sau khi thuê được đất, anh Hùng và 2 hộ nêu trên đã bỏ kinh phí hơn 20 triệu đồng để cải tạo, san ủi đất, thuận tiện cho việc chăm sóc cây trồng. Đến nay, đồi chuối tiêu hồng đã trồng được hơn 4 tháng và dự kiến cuối năm nay sẽ cho thu hoạch. Theo tính toán, nếu giá bán chuối vẫn giữ được mức trung bình 4,5-5 nghìn đồng/kg như năm 2022, thì với 4.000 cây, các hộ có thể thu được trên 320 triệu đồng.

Anh Hùng chia sẻ: So với trồng nhỏ lẻ, phân tán ở nhiều nơi khác nhau thì việc trồng chuối tập trung với quy mô lớn giúp giảm được chi phí trong tất cả các khâu gồm công vận chuyển máy móc làm đất, bơm nước, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... Đặc biệt, chúng tôi có thể cung cấp đủ số lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng mà không cần phải đi mua gom của từng hộ dân như trước.

Còn ở xóm La Đàn, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), ngoài cây trồng chủ lực là chè, khoảng 5 năm trở lại đây, hàng chục hộ dân còn đầu tư trồng đào để bán giống và hoa, cây trong dịp Tết. Với việc chuyển đổi những diện tích trồng trọt kém hiệu quả sang trồng đào đã đem lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho các hộ.

Từ hiệu quả đó, cách đây 3 năm, gia đình anh Nông Văn Tuấn và một số hộ khác đã quyết định cùng nhau thuê lại 3ha đất với giá trên 10 triệu đồng/ha/năm của các hộ trong xóm để trồng đào. Anh Tuấn chia sẻ: Tôi nhận thấy nhiều hộ mặc dù có diện tích đất sản xuất lớn nhưng không đầu tư, chăm sóc cây trồng dẫn đến năng suất, thu nhập thấp. Do đó, chúng tôi đã thuê lại đất của họ và cơ cấu lại các loại cây trồng mang lại hiệu quả cao hơn, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng để đẩy mạnh khâu tiêu thụ.

Qua 3 năm sản xuất tập trung đã mang lại những kết quả tích cực cho gia đình anh Tuấn và các hộ dân. Theo đó, trung bình mỗi héc-ta đất trồng đào, anh Tuấn thu về khoảng 70 triệu đồng/năm, cao gấp 5 lần so với trồng keo. Ngoài ra, gia đình anh còn tạo việc làm thời vụ cho một số lao động địa phương.

Từ hiệu quả ban đầu mà cây hoa đem lại, anh Đinh Xuân Lợi đã và đang triển khai trồng các loại hoa tập trung với quy mô khoảng trên 2 ha.
Từ hiệu quả ban đầu, gia đình anh Đinh Xuân Lợi, ở tổ dân phố Phú Thái, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) đã triển khai mô hình trồng hoa theo hướng sản xuất tập trung, với quy mô trên 2ha.

Không chỉ ở Phúc Thuận hay Văn Hán, thực tế hiện nay, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã và đang tiến hành thương lượng thuê lại đất của các hộ khác để sản xuất tập trung với quy mô lớn.

Như gia đình anh Đinh Xuân Lợi, ở tổ dân phố Phú Thái, phường Lương Sơn (TP. Sông Công). Năm 2022, anh Lợi đã trồng thử nghiệm hơn 2 sào hoa cúc, với 10.000 gốc. Sau hơn 3 tháng trồng, anh thu về 30 triệu đồng.

Anh Lợi bộc bạch: Sau mấy vụ, tôi nhận thấy các loại hoa cúc phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, lại dễ tiêu thụ. Do vậy, tôi đang vận động một số hộ ở gần có ruộng nhưng canh tác kém hiệu quả cho thuê lại đất, với diện tích trên 2ha. Việc trồng hoa tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cơ giới hóa sản xuất, tưới tiêu, chăm sóc, vận chuyển...

Từ thực tế triển khai của bà con nông dân có thể thấy, việc sản xuất tập trung với quy mô lớn giúp bà con tiết kiệm được chi phí và nâng cao thu nhập nhờ mở rộng diện tích sản xuất. Ông Lê Vĩnh Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận, đánh giá: Sản xuất nông nghiệp hiện nay gặp không ít khó khăn do giá vật tư tăng, tỷ lệ lao động làm công việc nhà nông ngày càng giảm do có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp, chi phí ngày công lao động tăng, nhiều diện tích đất của người dân không phát huy hiệu quả do không được đầu tư, chăm sóc... Do đó, việc tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ khắc phục được tình trạng trên và mang lại nhiều lợi thế trong sản xuất.

Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là do nhu cầu tự phát của một số hộ dân. Do đó vẫn có tình trạng người cần thì thiếu đất, trong khi người có đất lại chưa tập trung đầu tư sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất… Vì vậy, bên cạnh sự chủ động của các cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong tổ chức thực hiện các dự án, nhiều ý kiến cho rằng rất cần những chính sách vận động và cơ chế khuyến khích áp dụng cho việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung từ các cấp, ngành chức năng. Có như vậy thì sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, mang lại năng suất, hiệu quả cao, chất lượng sản phẩm đồng đều... mới có thêm động lực để phát triển bền vững.