Để đảm bảo đàn gia súc phát triển khỏe mạnh trong mùa Đông, người dân trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng cao) đã và đang chủ động tăng cường phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bằng nhiều biện pháp, như: Tu sửa chuồng trại, che chắn gió, dự trữ thức ăn...
Anh Ngô Văn Lý, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) che chắn chuồng trại để chống rét cho đàn trâu, bò của gia đình. |
Những năm gần đây, gia đình anh Dương Văn Phong, ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương) duy trì chăn nuôi 5 con trâu sinh sản. Do đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên mùa Đông hằng năm, anh luôn chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn trâu.
Anh Phong cho biết: Trước đây, khi chỉ nuôi một con trâu để lấy sức kéo thì mùa Đông hay Hè tôi đều thả lên rừng, thỉnh thoảng có đi lấy cỏ, lá cây về cho trâu ăn. Nhưng gần 5 năm nay, khi chuyển sang nuôi trâu theo hướng sinh sản, với số lượng đàn đông hơn, ngoài việc xây dựng chuồng trại kiên cố, gia đình tôi còn dành gần 5 sào đất để trồng cỏ voi làm thức ăn hằng ngày và dự trữ để mùa Đông trâu luôn có đủ thức ăn.
Không chỉ gia đình anh Phong, theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều địa phương trong tỉnh, bà con nông dân đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng, chống rét cho đàn gia súc. Các chuồng trại chăn nuôi trâu, bò đều đã được người dân giăng bạt, quây bao tải, ni lông; những bó rơm, cỏ khô được chất đống ở góc sân, góc vườn...
Gia đình anh Ngô Văn Lý, dân tộc Mông, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thương (Võ Nhai), hiện có 5 con bò và 1 con trâu. Ngay từ đầu tháng 10, anh đã chủ động mua lưới, bạt về che chắn chuồng trại.
Anh Lý cho biết: Do đất sản xuất của gia đình hạn chế, không thể trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc nên cứ cách 2-3 ngày, vợ chồng tôi lại đi nhiều nơi để cắt cỏ, lá cây cho trâu, bò. Để đề phòng thời tiết rét đậm, rét hại, không thể đi lấy cỏ được, tôi còn tích trữ cỏ khô, rơm, cám ngô... để làm thức ăn cho trâu, bò. Ngoài ra tôi còn trồng thêm 3 sào ngô vụ đông để khi cần thiết nhất có thể cắt cho trâu, bò ăn.
Với đặc điểm là địa phương vùng cao, để tránh những thiệt hại cho đàn gia súc trong mùa Đông, cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc.
Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, thông tin: Hiện nay, trên địa bàn có 8.900 con trâu, bò; trên 37.900 con lợn; 5.500 con dê... Ngay từ đầu mùa Đông, chúng tôi đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến các xã, thị trấn để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các xóm vùng cao, những nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều trong mùa Đông.
Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai cử cán bộ xuống tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, như: Tu sửa, gia cố chuồng trại; làm áo khoác ấm cho vật nuôi; di chuyển đàn gia súc đang thả trên núi đưa về nuôi nhốt; tăng cường chế biến thức ăn khô; dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi...
Toàn tỉnh hiện có hơn 93.500 con trâu, bò; 600.000 con lợn và khoảng 16 triệu con gia cầm. Nhằm hạn chế thiệt hại cho đàn vật nuôi trong mùa Đông, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản gửi các huyện, thành phố về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rét. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân dự trữ thức ăn, quây kín chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn vật nuôi; không chăn thả rông gia súc khi nhiệt độ giảm sâu...
Với sự tích cực tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, ngành chức năng và sự chủ động của người dân sẽ góp phần duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra đối với đàn vật nuôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin