Nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ chuyển đổi cơ cấu giống

Phan Trang 09:49, 13/11/2023

Những năm gần đây, giống lúa Nếp xoắn được nhiều nông dân ở các xã phía Nam của huyện Phú Bình ưa chuộng và đưa vào gieo cấy trong vụ mùa. Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con.

Nông dân xã Kha Sơn (Phú Bình) thu hoạch lúa Nếp xoắn gieo cấy trong vụ mùa năm nay.
Nông dân xã Kha Sơn (Phú Bình) thu hoạch lúa Nếp xoắn gieo cấy trong vụ mùa năm nay.

Theo chia sẻ của bà con, khoảng 10 năm trước, người dân ở một số xã khu vực phía Nam đã đưa giống lúa Nếp xoắn về đồng đất Phú Bình để gieo cấy thí điểm. Nhận thấy giống lúa này có hiệu quả kinh tế và nhu cầu của thị trường lớn, ngày càng có nhiều hộ chuyển từ gieo cấy giống lúa U17 sang lúa Nếp xoắn trong vụ mùa.

Đặc biệt, vụ mùa năm nay, diện tích gieo cấy lúa Nếp xoắn tại một số xã đã tăng đột biến và đạt cao nhất từ trước đến nay. Điển hình là xã Dương Thành có 197ha, tăng 127ha so với năm 2022; xã Thanh Ninh có 130ha, tăng 60ha.

Qua tìm hiểu tại các địa phương, chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến giống lúa này được người dân ưa chuộng và đưa vào gieo cấy nhiều là vì giống lúa có năng suất và giá trị tương đối ổn định, thị trường đầu ra tốt.

Nói về ưu điểm của giống lúa này, ông Đỗ Xuân Hiển, xóm Quán, xã Thanh Ninh chia sẻ: So với giống lúa U17 đang được gieo cấy nhiều ở địa phương thì chi phí để chăm sóc giống lúa Nếp xoắn giảm 30%, ít sâu bệnh, cây cứng ít bị đổ. Ngoài ra, năng suất giống lúa này đạt khoảng 2,5 tạ thóc tươi/sào, cao hơn gần 0,1 tạ so với thóc tẻ.

Lúa sau khi thu hoạch được thương lái đến tận ruộng thu mua thóc tươi với giá dao động từ 9,4 đến 9,5 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, đối với gạo tẻ, tôi chủ yếu chỉ bán được thóc đã phơi khô với giá bán trung bình từ 8 đến 9,5 nghìn đồng/kg thóc khô (tùy thời điểm).

Anh Tạ Quang Bộ, xã Kha Sơn phấn khởi nói: Tôi đã gieo cấy giống lúa Nếp xoắn được 7 năm. Vụ mùa năm nay tiếp tục là vụ thắng lợi của gia đình tôi. Năm nay, tôi cấy 1 mẫu Nếp xoắn, năng suất đạt 2,5 tạ/sào. Nếu như trước đây, giống lúa này chỉ bán nhỏ lẻ cho tiểu thương trên địa bàn thì nay toàn bộ thóc sau khi thu hoạch đều được các thương lái trong và ngoài huyện đến thu mua với giá 9,5 nghìn đồng/kg thóc tươi. Với năng suất và giá trị ổn định, vụ mùa năm tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa Nếp xoắn.

Theo thống kê, năm nay, tổng diện tích gieo cấy lúa Nếp xoắn trên địa bàn huyện Phú Bình đạt trên 670ha, tăng 20% so với năm 2022. Năng suất lúa dự ước đạt gần 7 tấn/ha, sản lượng đạt trên 4,6 nghìn tấn. Diện tích gieo cấy giống lúa này chủ yếu ở các xã phía Nam, gồm: Thanh Ninh, Dương Thành, Kha Sơn, Tân Hòa, Lương Phú, Nga My, Hà Châu và thị trấn Hương Sơn. Trong đó, xã Dương Thành, Thanh Ninh là 2 địa phương có diện tích gieo cấy giống này cao nhất.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà giống lúa này đem lại, thời gian qua, các xã đang vận động, khuyến khích người dân chuyển từ gieo cấy nhỏ lẻ, sang sản xuất tập trung, thành vùng trồng; chuyển đổi sang gieo cấy lúa Nếp xoắn tại những chân ruộng cao; khuyến khích nhân dân phối hợp với các Hợp tác xã trên địa bàn để xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Tạ Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị của các loại nông sản. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất cánh đồng 1 giống theo quy mô tập trung, mở rộng diện tích gieo cấy lúa Nếp xoắn; đồng thời tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất...