Những ngày này, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt trên địa bàn tỉnh giảm xuống dưới 15 độ C, ban đêm dưới 10 độ C. Để duy trì sản xuất, hạn chế thiệt hại, người dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
Để giữ ấm cho đàn lợn, gia đình ông Hà Văn Nam, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) quây bạt kín 3/4 chuồng, chỉ trừ một bên để lấy ánh sáng cho đàn lợn. |
Chuồng nuôi lợn của gia đình ông Hà Văn Nam, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương), hiện có 70 con lợn thịt, cận nặng từ 70kg trở lên và sắp đến ngày xuất chuồng. Chuồng nuôi có diện tích 242m2 và xây dựng theo kiểu kín dưới, hở trên. Do đó, từ mấy ngày trước, khi nghe thông tin về đợt rét đậm, ông Nam đã có biện pháp giữ ấm cho đàn lợn.
Ông Nam cho biết: Tôi đã mua 120m2 bạt để về quây phía bên trên nhằm tránh gió lùa, mua thêm 20 bao vỏ trấu về rải nền để giữ ấm cho lợn. Tôi cũng đã mắc thêm nhiều bóng điện để có thể sưởi ấm cho lợn nếu nhiệt độ tiếp tục xuống thấp.
Còn chị Nguyễn Thị Tâm, xóm Cà, xã Tân Khánh (Phú Bình), nói: Gia đình tôi đang nuôi 500 con gà Ri để bán vào dịp Tết. Mấy ngày nay, thời tiết chuyển rét đậm, nên gia đình tôi không thả gà ra vườn, đồng thời mua bạt về quây kín một số chuồng trại để nhốt riêng gà vào ban đêm và tăng cường thắp điện sưởi ấm cho đàn gà.
Cùng với các hộ chăn nuôi, người trồng rau màu trên địa bàn tỉnh cũng đang tích triển khai các biện pháp ứng phó với thời thời tiết rét đậm. Ông Nguyễn Quốc Hưng, tổ dân phố 4, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho biết: Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 4 sào rau màu, với các loại như cải thảo, súp lơ, su hào, mướp đắng. Khi thời tiết chuyển rét đậm, ban đêm có sương muối, để cây rau không bị thối nhũn, sáng sớm tôi thường tưới nước trên mặt lá để làm tan sương, che phủ ni lông cho rau mới trồng, tăng cường bón các loại phân hữu cơ.
Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh là hơn 16,8 triệu con. Trong đó, đàn trâu, bò khoảng 95.000 con; đàn lợn 600.000 con; đàn gia cầm hơn 16,105 triệu con. Diện tích cây trồng vụ đông khoảng 10.000ha, trong đó cây rau các loại khoảng 6.600ha.
Đối với những diện tích rau sắp được thu hoạch, ông Nguyễn Quốc Hưng, tổ 14, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) đều tưới nước trên mặt lá để rửa sương muối vào buổi sáng. |
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để không bị thiệt hại về kinh tế, các địa phương và ngành Nông nghiệp tỉnh đang tăng cường chỉ đạo phòng, chống rét cho vật nuôi và cây trồng.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long (Võ Nhai), chia sẻ: Xã hiện có 650 con trâu, bò; trên 1.300 con lợn và trên 60.000 con gia cầm. Trước đợt rét đậm lần này, chúng tôi đã phân công cán bộ phụ trách nông nghiệp, cùng với các xóm hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không thả rông trâu, bò ngoài trời khi nhiệt độ dưới 15 độ C; đồng thời đốt lửa sưởi cho gia súc bằng củi khô, vỏ trấu và sưởi ấm bằng bóng điện cho gia cầm.
Để kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường, nhất là rét đậm kéo dài với nền nhiệt thấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành các công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, cây trồng; thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng ở một số địa phương, nhất là tại vùng cao...
Theo dự báo, thời gian tới miền Bắc vẫn tiếp tục xảy ra rét đậm, nhiệt độ giảm sâu và có thể xảy ra tình trạng rét hại tại miền núi. Do vậy, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, khi nhiệt độ xuống thấp, người dân cần sử dụng ni lông, rơm, rạ phủ luống, làm vòm che và bón bổ sung phân kali, phân lân, phân hữu cơ hoai mục, giảm bón đạm để cây trồng phát triển, tăng khả năng chống rét. Che chắn chuồng trại cho vật nuôi, thu gom rơm, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ để làm thức ăn cho gia súc...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin