Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa: Tăng hiệu quả sản xuất

Vũ Công 09:18, 27/02/2024

Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Qua đó góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bình, ở xóm Long Giàn, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), trồng 2 vụ ngô kèm khoai lang trên đất lúa kém hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bình, ở xóm Long Giàn, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), trồng 2 vụ ngô kèm khoai lang trên đất lúa kém hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất.

Khoảng 3 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Bình, ở xóm Long Giàn, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), đã chuyển đổi 2 sào đất cấy lúa trước đây sang trồng ngô nếp; mỗi năm 2 vụ, năng suất trung bình đạt gần 2 tạ/sào/vụ. Bà Bình cho hay: Diện tích ruộng của gia đình tôi nằm ở trên cao nên không thể tháo nước từ mương vào ruộng được. Quá trình làm đất và chăm sóc lúa, tôi đều phải dùng máy bơm nước vào ruộng rất vất vả và mất nhiều công lao động. Từ vụ xuân năm 2022, tôi chuyển hẳn sang trồng ngô nếp và hiệu quả đạt được gấp 2 lần so với cấy lúa.

Gia đình ông Liễu Văn Thành, xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ), cũng huyển đổi hơn 5 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ổi cách đây 2 năm và bước đầu mang lại hiệu quả. Ông Thành cho biết: Canh tác lúa của gia đình trước đây gặp không ít khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên, năm nào thời tiết thuận lợi thì cấy được 2 vụ, không thì chỉ 1 vụ. Năng suất lúa vụ nào cao nhất cũng chỉ được khoảng 100kg thóc/sào. Chính vì vậy, chuyển đổi sang trồng ổi là phù hợp. Năm 2023, cây ổi bắt đầu cho thu hoạch, trừ hết chi phí đi tôi thu được trên 20 triệu đồng.

Cùng với bà Bình, ông Thành, nhiều bà con nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như ngô, đậu tương, lạc, rau màu, chè, cây ăn quả hay trồng cỏ để chăn nuôi gia súc.

Riên trong năm 2023, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác của toàn tỉnh là 1.100ha, trong đó diện tích chuyển sang trồng cây hàng năm 1.055ha và cây lâu năm 21ha; diện tích chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản là 24ha. Đây là những diện tích cấy lúa có hiệu quả kinh tế thấp do thường xuyên bị khô hạn, ngập úng, đất xen kẹt với đất trồng cây lâu năm... 

Theo ngành chức năng, quá trình chuyển đổi cây trồng cho thấy hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp trồng trọt đạt 128,7 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Để việc chuyển đổi đúng quy định, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại, Ngành đã có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục chuyển đổi; thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các địa phương. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Qua đó đã góp phần làm tăng thu nhập cho người dân, khắc phục tình trạng khô hạn, cải tạo đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái và hình thành lên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả trong những năm qua đã được khẳng định là hướng đi đúng. Do vậy, trong năm 2024, toàn tỉnh tiếp tục có kế hoạch chuyển đổi khoảng 939ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, vụ đông xuân diện tích chuyển đổi đạt khoảng 718ha; vụ mùa đạt 221ha.



Cây phong linh Giống hoa vàng