Nông dân Phú Xuyên bắt nhịp với sản xuất chè hữu cơ

Lưu Phượng 12:01, 24/02/2024

Sản xuất hữu cơ đang là hướng đi tất yếu để phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Nắm bắt điều này, những năm gần đây, người dân xã Phú Xuyên (Đại Từ) đã tích cực chuyển đổi canh tác chè theo hướng hữu cơ.

Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên chất lượng chè của gia đình ông Đỗ Thành Lân, xóm Chính Phú 3, xã Phú Xuyên (Đại Từ), được nâng lên nhiều, giá bán từ 500.000-2.000.000 đồng/kg, cao hơn trước khoảng 30-50%.
Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên chất lượng chè của gia đình ông Đỗ Thành Lân, xóm Chính Phú 3, xã Phú Xuyên (Đại Từ), được nâng lên nhiều, giá bán từ 500.000-2.000.000 đồng/kg, cao hơn trước khoảng 30-50%.

Gia đình ông Đỗ Thành Lân là một trong 22 hộ dân thuộc làng nghề chè Chính Phú 3 và Hợp tác xã (HTX) chè Tuất Thoi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ từ năm 2020 (tổng diện tích 5ha). Dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình ông chuyển toàn bộ 2.400m2 diện tích chè sang sử dụng phân hữu cơ được hỗ trợ và phân chuồng ủ mục cùng các chế phẩm sinh học. Vườn chè cũng được chia thành các lô để dễ quản lý, chăm sóc. 

Ông Lân chia sẻ: Sản xuất theo hướng hữu cơ giúp môi trường đất được cải tạo, cây phát triển mạnh, lá dày, xanh thẫm, sâu bệnh giảm hẳn. Chất lượng chè cũng được nâng lên nhiều, có vị thơm, đặm, ngọt hậu. Chúng tôi làm đến đâu bán hết tới đó, giá từ 500.000-2.000.000 đồng/kg, cao hơn so với trước khoảng 30-50%.

Không chỉ gia đình ông Lân mà hầu hết các hộ trong Tổ sản xuất chè hữu cơ đều có chung đánh giá tích cực. Bà Đào Thị Thoi, Giám đốc HTX chè Tuất Thoi, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè hữu cơ Chính Phú, cho biết: Lúc đầu thực hiện, thấy sản lượng chè sụt giảm bà con cũng có phần băn khoăn, nhưng chúng tôi đã động viên nhau phải kiên trì. Đến nay cây chè đã sinh trưởng và ổn định về năng suất (bình quân mỗi năm đạt gần 129 tạ búp tươi/ha), chất lượng thay đổi rõ rệt. Sau 3 năm, mô hình đạt các tiêu chí của tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Trên cơ sở áp dụng thành công mô hình này, tháng 5-2023, chúng tôi tiếp tục được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ để sản xuất chè hướng hữu cơ trên diện tích 10ha, với sự tham gia của 46 hộ.

Hợp tác xã chè Tuất Thoi là cơ sở sản xuất chè hữu cơ tiêu biểu trên địa bàn huyện Đại Từ.
Hợp tác xã chè Tuất Thoi là cơ sở sản xuất chè hữu cơ tiêu biểu trên địa bàn huyện Đại Từ.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tuân thủ quy trình chăm sóc chè hữu cơ cũng đồng nghĩa là cơ hội để người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định. Tại 2 xóm Chính Phú 1 và Chính Phú 2, từ giữa năm 2023, 48 hộ dân vui mừng khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ phân bón, kiến thức sản xuất chè hữu cơ với diện tích 10ha. Sau một thời gian triển khai, đến nay đã có 20 hộ tham gia liên kết với Công ty CP Chè Hà Thái để sản xuất, tiêu thụ chè.

Ông Phạm Văn Nguyên, Trưởng làng nghề chè Chính Phú 1, cho biết: Chúng tôi luôn tuyên truyền bà con sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; không sử dụng phân bón hóa học và tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ... Các hộ làm nghề cũng giám sát nhau trong quá trình sản xuất để làm ra những sản phẩm chè an toàn, chất lượng. Điều dễ nhận thấy khi sản xuất chè hữu cơ là hệ sinh thái nương chè được cải thiện đáng kể, đất đai trở nên phì nhiêu hơn. Ngoài ra, bà con cũng yên tâm hơn, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Trần Nam Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Xuyên, thông tin: Toàn xã hiện có 214ha chè, trong đó có 120ha chè VietGAP, 25ha chè hữu cơ; 5 làng nghề chè, 9 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP và 2 tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ. Đến nay xã đã xây dựng được 57ha chè thành vùng nguyên liệu tập trung tại 4 xóm gắn với du lịch cộng đồng, liên kết theo chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm.

Cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện Đại Từ, Hội Nông dân xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia các tổ hợp tác, chuyển đổi mô hình sản xuất chè an toàn hướng hữu cơ; tư vấn, hỗ trợ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; liên kết hỗ trợ phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân...