Đất canh tác ít cộng với sự đơn điệu về sản phẩm là một trong những nguyên nhân khiến nông dân vùng cao Võ Nhai từng luẩn quẩn trong đói nghèo, khó bứt phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm gần đây, vẫn đồng đất ấy, người nông dân đã biết quay vòng đất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm 2023, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của huyện đạt gần 105 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Vụ xuân năm nay, gia đình chị Tạ Thị Loan, ở xóm La Hóa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), trồng 6 sào dưa bao tử trên đất trồng lúa kém hiệu qủa. |
Vụ xuân năm nay, gia đình chị Tạ Thị Loan, xóm La Hóa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), quyết định trồng 6 sào dưa bao tử trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Chị bảo, từ vụ đông năm ngoái, trong xóm đã có khoảng chục hộ trồng dưa bao tử vì hiệu qủa kinh tế cao (thu lãi 7 triệu đồng/sào) và không phải lo đầu ra vì có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, thời gian thu hoạch ngắn (35 ngày)...
Còn gia đình bà Đào Thị Na, xóm Làng Chiềng (Lâu Thượng), có 5 sào đất nhưng bà chỉ dành 4 sào cấy lúa, còn lại trồng thêm rau màu theo hướng an toàn. Bà cho biết: Giờ phải phá thế độc canh cây lúa, trồng thêm các loại rau màu vừa phục vụ gia đình vừa để bán, góp phần tăng thêm thu nhập mà thóc lúa vẫn đủ ăn.
Việc luân canh gối vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị sản phẩm trên đất nông nghiệp giờ đã không còn là “chuyện mới” đối với nông dân Võ Nhai. Bà con tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn những giống cây trồng mới, cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng thử nghiệm, thấy hiệu quả mới nhân diện rộng nên hạn chế được rủi ro.
Sự năng động trong cách nghĩ, cách làm không chỉ ở Lâu Thượng mà các xã chúng tôi đặt chân tới tìm hiểu như Cúc Đường, Thượng Nung, Phú Thượng, Tràng Xá, Phương Giao…, người nông dân cũng tích cực trồng thử nghiệm giống cây trồng mới trên đất ruộng, đất đồi bãi, như: nông dân xã Phú Thượng chuẩn bị trồng 3ha cây ngô ngọt và ớt; nông dân xã Thượng Nung chuẩn bị trồng khoảng 20ha cây mơ trên đất dốc; nông dân các xã Phú Thượng, Liên Minh, Tràng Xá, Phương Giao chuẩn bị trồng 50ha quế…
Không chỉ trồng thử nghiệm các loại cây trồng mới, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt dự án bảo tồn các giống lúa đặc sản của địa phương được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích hơn 2.250ha, tập trung chủ yếu ở các xã Dân Tiến, Bình Long, Phương Giao…; bảo tồn các giống đậu tương chất lượng cao kết hợp với mở rộng các vùng trồng đậu tương giống mới với quy mô hơn 30ha, tập trung ở các xã Bình Long, Dân Tiến, Tràng Xá… Năm 2024, tổng kinh phí dự kiến đầu tư thực hiện các dự án phát triển trồng chọt, chăn nuôi của huyện Võ Nhai là hơn 2 tỷ đồng.
Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Để các dự án triển khai hiệu qủa, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu qủa sang cây trồng khác theo hướng tập trung hàng hóa; đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị, doanh nghiệp chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, như phối hợp với Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, các viện, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ... Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ sản xuất, tiêu thụ, tem truy xuất nguồn gốc và chuỗi quản lý sản phẩm nông nghiệp…
Từ những giải pháp nêu trên, cùng với sự cần cù, nỗ lực của người dân, năm 2024, huyện Võ Nhai phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.112 tỷ đồng trở lên (tăng 5,5% so với năm trước); giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 109 triệu đồng trở lên; phấn đấu thêm 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên (hiện nay, địa phương có 12 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 10 sản phẩm đạt 3 sao)…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin