Đại Từ xây dựng vùng sản xuất chè tập trung

Vi Vân 10:10, 27/02/2024

Nhằm nâng cao giá trị và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm chè, huyện Đại Từ đã chú trọng xây dựng các vùng chè tập trung, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu hút đầu tư.

Vùng sản xuất chè tập trung xã Hoàng Nông đã được UBND huyện Đại Từ phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trong ảnh: Người dân xóm Cầu Đá thu hái chè.
Vùng sản xuất chè tập trung xã Hoàng Nông đã được UBND huyện Đại Từ phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trong ảnh: Người dân xóm Cầu Đá thu hái chè.

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Để hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất gắn với phát triển du lịch. UBND huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc các sở, ngành triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề về khoa học - kỹ thuật, thiết bị máy móc, hệ thống tưới tiết kiệm… phục vụ sản xuất, thâm canh chè. Đặc biệt, trong năm 2024, Phòng tham mưu với UBND huyện triển khai “Vùng chè mẫu”, tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.

Là xã có 600ha chè, trong đó chè lai chiếm khoảng 70% diện tích, tập trung ở 12/14 xóm, Tân Linh vừa được UBND huyện Đại Từ quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung ở xóm 4, 6 và 7 vào cuối năm 2023, với diện tích gần 80ha.

Ông Đinh Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Linh, thông tin: Để có vùng sản xuất nguyên liệu tập trung nhằm thu hút đầu tư và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm trà, địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện nghiên cứu, khảo sát để lập quy hoạch. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng, mục đích và ý nghĩa của việc lập, quản lý quy hoạch. Trong quá trình lập quy hoạch, xã tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, người dân trong vùng quy hoạch. Bà con đều rất đồng tình.

Ngoài xã Tân Linh, huyện Đại Từ đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã La Bằng - Phú Xuyên, với diện tích gần 79ha và xã Hoàng Nông, với diện tích hơn 77ha.

Cùng với quy hoạch các vùng sản xuất chè tập trung, huyện Đại Từ cũng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, hệ thống điện, thoát nước và vệ sinh môi trường ở những vùng có diện tích chè sản xuất tập trung. Qua đó tạo thuận lợi cho bà con trong việc canh tác, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Ngoài ra, địa phương còn thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trà ở những vùng sản xuất chè tập trung. Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, huyện đã thực hiện hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phân bón hữu cơ, máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm, với tổng trị giá trên 4,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện.

Huyện Đại Từ hiện có gần 6.600ha chè, trong đó, diện tích chè trồng giống mới 5.300ha, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.836ha, hữu cơ là 15ha. Năm 2023, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn huyện đạt trên 80.100 tấn, tăng khoảng 3.000 tấn so với năm 2022.

Mặc dù địa phương đã quan tâm quy hoạch, hình thành được một số vùng sản xuất chè tập trung ở những xã có thế mạnh về phát triển cây chè nhưng diện tích chè sản xuất tập trung vẫn còn manh mún. Diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ chưa nhiều (chỉ chiếm khoảng 30%). Mặt khác, trên địa bàn huyện chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất, người dân chủ yếu bán chè tươi cho thương lái nên giá bán không ổn định... 

Để các vùng sản xuất chè tập trung là “đòn bẩy”, nâng cao thu nhập cho người dân, ông Triệu Hồ Quang cho biết thêm: Phòng Nông nghiệp và PTNT  tiếp tục đề nghị cấp trên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi… cho các vùng sản xuất chè tập trung, nhất là đối với những địa phương không thuận lợi về nguồn nước tưới, như: Tân Linh, Phục Linh… Đồng thời, đơn vị phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để làm đường giao thông vào các vùng sản xuất chè tập trung; tổ chức triển khai có hiệu quả “Vùng chè mẫu” nhằm hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cây chè trên địa bàn.