Đó là cách gọi thân mật của bà con nông dân dành cho những cán bộ khuyến nông phụ trách các xã trên địa bàn tỉnh. Họ đang hằng ngày đồng hành, sát cánh cùng với nông dân trong xuất nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Lượng (bên phải), cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ, hướng dẫn người dân xã Hóa Trung cách nhận biết sâu bệnh trên cây nhãn ghép. |
Từ năm 2013 đến nay, anh Nguyễn Văn Lượng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ phân công phụ trách địa bàn xã Hóa Trung. Ngoài việc chủ động tham mưu cho UBND xã xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương, anh còn tích cực phổ biến các cơ chế chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp; cách phòng, chống dịch bệnh... Chính vì thế, anh Lượng luôn được bà con nông dân trong xã tin tưởng và quý mến.
Anh Lượng chia sẻ: Để hướng dẫn, hỗ trợ bà con sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao thì cần cả những kiến thức khoa học và thực tế. Vì vậy, tôi đã tranh thủ tìm hiểu thêm từ các mô hình sản xuất đã đem lại thành công, học hỏi từ đồng nghiệp và từ kinh nghiệm từ chính bà con nông dân...
Ông Nguyễn Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Trung, cho biết: Anh Nguyễn Văn Lượng là một cán bộ khuyến nông năng động và có trách nhiệm. Cũng nhờ có sự tham mưu, đề xuất kịp thời của anh Lượng mà sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả tích cực cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như xã đã xây dựng được mô hình cánh đồng lúa một giống với diện tích 30ha; chuyển đổi hoàn toàn chè hạt sang trồng chè lai F1, với tổng diện tích 281ha; mở rộng diện cây ăn quả lên 120ha...
Cùng với anh Lượng, những cán bộ khuyến nông được giao phụ trách tại 126 xã trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành cầu nối đưa khoa học - kỹ thuật đến với bà con nông dân. Họ không quản ngại khó khăn, vất vả xuống tận xóm, đến từng hộ gia đình để hướng dẫn, tư vấn cho người dân cách trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ bệnh trên các loại cây, chỉ ra những làm đúng, làm hay...
Anh Vũ Duy Linh, các bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, chia sẻ: Tôi được phân công phụ trách xã Thượng Nung từ năm 2019 đến nay. Người dân vẫn giữ tập quán chăn thả rông vật nuôi, chưa chủ động về chuồng trại và nguồn thức ăn nên dễ lây lan dịch bệnh hoặc chết khi xảy ra rét đậm, rét hại. Chính vì thế, khi nhận công tác tại xã tôi đã cùng với hội, đoàn thể của xóm xuống từng hộ tuyên truyền, hướng bà con đầu tư chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi trâu bò. Nhờ đó, đến nay các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn đều đã chuyển sang hình thức bán chăn thả hoặc nuôi nhốt chuồng. Nhiều năm qua, trên địa bàn xã cũng không xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết khi xảy ra rét đậm, rét hại.
Ông Trương Văn Sinh, người dân ở xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung, cho hay: Nếu không có sự hỗ trợ, hướng dân của anh Linh thì đến nay tôi vẫn chỉ nuôi một con bò chứ không dám đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng 4 sào cỏ để nuôi 9 con trâu sinh sản. Ngoài chăn nuôi, anh Linh còn thường xuyên hướng dẫn tôi và bà con trong xóm lựa chọn những giống lúa, ngô cho năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất.
Chia sẻ về đội ngũ khuyến nông cơ sở, ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Có thể khẳng định, những người làm công tác khuyến nông cơ sở trên địa bàn tỉnh ngoài hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng và nhân rộng các mô hình, còn góp phần không nhỏ giúp nông dân tiếp cận kiến thức khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Qua đó giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin