Những năm qua, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Phú Bình đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên. Từ đó giúp tăng năng suất, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích trồng trọt.
Người dân xã Bảo Lý (Phú Bình) chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp trên các chân ruộng cao để tăng thu nhập. |
Tại xóm Dinh, xã Bảo Lý, gia đình ông Dương Nghĩa Sáng là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả và đất vườn, đem lại thu nhập cao. Ông Sáng chia sẻ: Gia đình tôi có 8 sào ruộng nhưng manh mún, không chủ động được nước tưới. Diện tích vườn từng trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2014, tôi cải tạo toàn bộ diện tích gieo cấy và hơn 1ha đất vườn để trồng khoảng 7.000 cây chuối, 500 cây bưởi, 30 cây hồng xiêm. Các cây trồng trên thích nghi tốt với chất đất, khí hậu. Tính về hiệu quả kinh tế, tôi thu được lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ví dụ, trên diện tích 1 sào đất, tôi thu được trên 1,5 tấn chuối, bán được gần 11 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư và chăm sóc thì thu lãi trên 8 triệu đồng.
Còn tại Nhã Lộng, các diện tích úng ngập hoặc chân ruộng cao đã được xã khuyến khích chuyển đổi sang những cây trồng phù hợp. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Diện tích sản xuất lúa của xã là 210ha. Vụ Xuân năm 2024, toàn xã có 20ha được chuyển đổi sang cây trồng khác, chủ yếu là cây rau màu tập trung ở xóm Đô, Náng, Mịt, Xúm. Đặc biệt, xóm Náng đã hình thành được vùng chuyên canh cây rau màu theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất, thời gian qua, UBND huyện Phú Bình đã tập trung chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt cơ sở để tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó chú trọng giảm dần diện tích cây kém hiệu quả, tăng diện tích cây trồng lâu năm; chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Ngoài ra, UBND huyện cũng phối hợp triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Nổi bật là dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm rau chất lượng cao. Theo đó, từ năm 2021 đến 2023, huyện hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất rau tập trung, chuyên canh ứng dụng công nghệ nhà lưới trên địa bàn xã Nhã Lộng với kinh phí 175 triệu đồng; mô hình công nghệ cao trong sản xuất rau với quy mô 4.000m2 tại xã Nhã Lộng…
Ngoài ra còn có dự án sản xuất ngô sinh khối trên đất kém hiệu quả để làm thức ăn chăn nuôi bò thịt. Trong 2 năm 2022-2023, huyện đã triển khai mô hình trồng ngô sinh khối tại các xã: Bảo Lý, Nga My, Thanh Ninh, Đào Xá, Hà Châu… với diện tích 530ha.
Nhờ những giải pháp phù hợp, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây hàng năm, chủ yếu là rau màu. Trên địa bàn đã hình thành được một số diện tích sản xuất rau chuyên canh tập trung tại xã Nhã Lộng, Dương Thành, Lương Phú, Tân Đức.
Đối với những diện tích đất gò đồi, vườn tạp, người dân chuyển sang trồng cây lâu năm như: keo, cây ăn quả. Hiện nay, các xã như: Tân Đức, Tân Kim, Lương Phú đang từng bước hình thành những diện tích sản xuất cây ăn quả quy mô lớn.
Qua thực tế sản xuất cho thấy, những diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó góp phần tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 123,5 triệu đồng/ha, tăng 5,05 triệu đồng/ha so với năm 2022.
Để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, huyện Phú Bình tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích sản xuất lúa và cây hàng năm kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn, khuyến khích người dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin