Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững. Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) và người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn áp dụng mô hình này vào sản xuất nông nghiệp và đạt được những kết quả nhất định.
Mô hình NNTH là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc xử lý các chất thải, phụ phẩm thành nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản... Việc áp dụng mô hình này vào sản xuất góp phần giảm lãng phí nguồn chất thải, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập và giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất đến môi trường.
HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (Phú Bình) hiện có khoảng 600m2 nuôi giun quế, đáp ứng việc xử lý lượng phân bò thải ra hàng ngày của các gia đình thành viên HTX. |
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Hoàng Ngọc Sơn, ở xóm Na Chặng, xã Bàn Đạt (Phú Bình) có quy mô nuôi 40 con lợn thịt, 1.500 con gà, 3 con bò BBB và 2 sào ao chăn thả cá. Trước đây chất thải từ các chuồng nuôi được ông Sơn xả trực tiếp xuống ao, lâu dần đã dẫn đến tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, không thể nuôi được cá; mùi hôi thối bốc lên cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và các hộ xung quanh.
Cách đây hơn 2 năm, ông Sơn mạnh dạn áp dụng mô hình NNTH vào sản xuất của gia đình. Ông cho biết: Tôi đã đầu tư xây bể biogas và các bể chứa phân, nước thải. Hằng ngày chất thải được thu gom về các bể và xử lý bằng chế phẩm sinh học để làm phân hữu cơ bón cho hơn 1 mẫu cỏ và ngô. Sau đó cỏ, ngô được ủ chua để làm thức ăn cho bò, cá. Việc áp dụng mô hình NNTH đã giúp gia đình khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, ngoài ra mỗi năm còn tiết kiệm được khoảng trên 20 triệu đồng tiền mua thức ăn cho bò, cá và phân bón cây trồng.
HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My, xã Nga My (Phú Bình) hiện có 35 thành viên với tổng đàn bò gần 400 con. Từ đầu năm 2023 đến nay, HTX mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi theo hướng truyền thống sang mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Theo đó, lượng chất thải hằng ngày sẽ được HTX dùng để chăn nuôi giun quế, sau đó chất thải của giun quế được dùng để bón cho 6ha cỏ. Ông Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Với việc áp dụng mô hình NNTH vào chăn nuôi bò đã giúp chúng tôi tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư mua phân bón, thức ăn cho bò. Ngoài ra trong năm 2023 vừa qua, HTX còn có thêm thu nhập gần 200 triệu đồng từ việc bán phân hữu cơ thừa không dùng hết.
Từ nguồn phân hữu cơ làm ra, HTX nông sản Phú Lương, ở xã Ôn Lương (Phú Lương) đang chuyển dần diện tích chè sản xuất theo phương pháp truyền thống sang hướng hữu cơ. |
Tương tự, cách đây hơn 3 năm, HTX nông sản Phú Lương, ở xã Ôn Lương (Phú Lương) cũng đã áp dụng mô hình NNTH vào trong sản xuất. Tận dụng các loại phế, phụ phẩm trong quá trình sản xuất (như rơm, rạ, tro, trấu, phân gia súc, gia cầm…), HTX đã xử lý thành phân hữu cơ bón cho 6ha chè và 100ha lúa. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất được trên 1.000 tấn phấn hữu cơ. Anh Tống Văn Viện, Giám đốc HTX, cho biết: Mô hình NNTH giúp chúng tôi tạo ra một lượng phân hữu cơ lớn để bón cho diện tích chè, lúa của các thành viên và cung cấp cho gần 100 hộ dân liên kết. Nhờ đó, với mỗi sào chè HTX đã tiết kiệm được trên 3 triệu đồng mỗi năm tiền mua phân hóa học; chất lượng chè cũng nâng lên đáng kể khi sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ.
Từ hiệu quả mà mô hình NNTH đem lại, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng như các doanh nghiệp, HTX mạnh dạn áp dụng mô hình này vào trong sản xuất. Qua đó, hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng an toàn, bền vững. Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, chia sẻ: Mô hình NNTH đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, hợp tác xã để nhân rộng mô hình; có cơ chế nhằm khuyến khích các HTX chăn nuôi liên kết với các HTX trồng trọt để phát triển NNTH...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin