Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.
Gia đình anh Nông Văn Trường (ở xóm Na Tranh, xã Nam Hòa) có 2ha bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP. |
Thực hiện đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Đồng Hỷ đề ra mục tiêu: Duy trì diện tích 170ha na, trong đó diện tích trồng mới là 110ha và có 40ha được chứng nhận VietGAP; duy trì 300ha bưởi (trong đó diện tích trồng mới là 100ha); duy trì 440ha nhãn (trong đó diện tích trồng mới là 145ha, có 60ha được chứng nhận VietGAP và 20ha cấp lại chứng nhận VietGAP). Phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả tập trung là 240ha.
Với mục tiêu trên, từ năm 2021 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã triển khai chính sách hỗ trợ giá giống 3 loại cây trồng chủ lực na, nhãn, bưởi với diện tích 50ha/năm, tổng kinh phí hỗ trợ là 3 tỷ đồng... Cùng với đó, huyện rà soát, quy hoạch những vùng có diện tích đất đồi bãi, đất trồng cây nông, lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế thấp để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả; tạo điều kiện, khuyến khích các địa phương thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), mô hình liên kết nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, huyện phối hợp với các sở, ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp quy hoạch, thâm canh cây ăn quả, đưa các giống mới năng suất cao vào trồng…
Đơn cử như xã Nam Hòa, một trong những địa phương có diện tích chuyên canh cây ăn quả lớn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ với tổng diện tích 300ha, trong đó diện tích bưởi là gần 42ha. Theo ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Với định hướng xây dựng bưởi là cây trồng chủ lực, xã đã được ngành chức năng của tỉnh và huyện quan tâm, hỗ trợ triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể bưởi Na Tranh; tiếp nhận, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ cây giống; mở các lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; vận động các hộ dân cùng liên kết sản xuất... Qua đó, trên địa bàn xã hiện có 1 HTX, 2 THT trồng bưởi; gần 16ha bưởi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 7ha được cấp mã số vùng trồng. Trung bình mỗi héc-ta bưởi, người dân thu về từ 200-250 triệu đồng/năm.
Gia đình anh Vũ Duy Hiền (ở xóm Na Long, xã Hóa Trung, Đồng Hỷ) trồng 1ha bưởi, nhãn, cho thu nhập khá cao. |
Còn với cây nhãn, xóm Na Long, xã Hóa Trung, là một trong những địa phương tiên phong áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, THT sản xuất nhãn VietGAP được thành lập, thu hút 70 hộ dân tham gia. Anh Vũ Duy Hiền, thành viên THT, chia sẻ: Thông qua các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, người dân chúng tôi đã tin và làm theo. Cách làm này không những giúp giá trị, chất lượng nông sản được nâng lên mà môi trường, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng cũng được đảm bảo. Với diện tích gần 1ha cây ăn quả, trung bình mỗi năm nhà tôi thu lãi gần 100 triệu đồng.
Bằng những giải pháp cụ thể, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có trên 1.700ha cây ăn quả, trong đó diện tích cây ăn quả chủ lực (na, nhãn, bưởi) được trồng tập trung là 200ha (đạt 80% kế hoạch năm 2025), trồng chủ yếu tại các xã Hóa Trung, Quang Sơn, Tân Long, Nam Hòa, Văn Hán và thị trấn Hóa thượng.
Hiện, toàn huyện đã có 151ha/195ha cây ăn quả tập trung được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ, qua đó góp phần nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng cây ăn quả đạt 200 triệu đồng/năm (tăng 30 triệu đồng so với năm 2020).
Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về thương hiệu và phát triển thương hiệu; xúc tiến việc xây dựng, đăng ký nhãn mác hàng hóa, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; đăng ký chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin