Thời điểm này, thay vì ra hoa, đậu quả như những năm trước thì nhiều vườn nhãn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lại đang nảy lộc, lá. Tình trạng đó khiến người trồng nhãn đứng trước nguy cơ “trắng tay” ngay từ đầu vụ.
Nhiều cây nhãn của gia đình ông Hoàng Trọng Thủy (ở xóm Na Long, xã Hóa Trung, Đồng Hỷ) gần như không có hoa. |
Chưa khi nào vườn nhãn của gia đình ông Hoàng Trọng Thủy (ở xóm Na Long, xã Hóa Trung, Đồng Hỷ) lại có tỷ lệ cây ra hoa thấp như năm nay. Ông Thủy cho biết: Trong vườn nhà tôi hiện có 100 gốc nhãn, tuổi đời từ 10-28 năm. Vụ năm ngoái tôi thu được 9 tấn quả, trừ chi phí lãi gần 60 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay chỉ có khoảng 20% số cây có hoa và tỷ lệ hoa trên mỗi cây cũng chỉ bằng 30% so với thông thường. Từ nay đến khi thu hoạch thời tiết thuận lợi thì còn kéo lại được ít vốn, nếu không coi như mất trắng.
Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị Nga (ở xóm Khuân Vạc, xã La Hiên, Võ Nhai) hiện có 60 gốc nhãn đã cho thu hoạch hơn 17 năm. Vụ nhãn năm ngoái gia đình thu trên 3 tấn quả và giá bán trung bình 7.000 đồng/kg.
Bà Nga chia sẻ: Mặc dù biết là cứ năm trước nhãn được mùa thì năm sau sẽ kém đi khoảng 10-20% nhưng chưa khi nào nào số cây ra hoa lại ít như năm nay. Trong vườn gia đình chỉ có khoảng một nửa số cây ra hoa, một số cây có hoa nhưng chỉ lác đác có vài bông. Điều đáng nói là sau vụ nhãn trước tôi vẫn áp dụng đầy đủ quy trình cắt tỉa cảnh, phòng trừ sâu, bệnh và bón các loại phân gà, phân lân như thông lệ.
Việc nhãn ra nhiều lộc lá, ít hoa sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của nhiều hộ gia đình, nhất là tại những vùng có diện tích trồng nhãn lớn. Đơn cử như ở tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) - một trong những vùng trồng nhãn nổi tiếng của tỉnh. Việt Cường có 200 hộ dân thì gần như nhà nào cũng trồng nhãn, ít thì 1-2 cây còn nhà nhiều tới 500-600 cây; tổng diện tích trồng nhãn khoảng 46ha, chủ yếu là giống nhãn ghép.
Dẫn chúng tôi đi thăm các vườn nhãn trên địa bàn, ông Phạm Quang Tiến, Tổ trưởng tổ dân phố Việt Cường, cho biết: Thông thường với 1ha nhãn, trừ hết chi phi thì người dân có lãi khoảng 50 triệu đồng. Thế nhưng vụ nhãn năm nay bà con lại đứng trước nguy cơ thất thu khi nhãn không ra hoa hoặc có hoa nhưng tỷ lệ chỉ bằng 20-30% so với mọi năm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế, bởi thu nhập của nhiều hộ phụ thuộc chính vào cây nhãn.
Nhận định về nguyên nhân của tình trạng nhãn ra ít hoa, nhiều lộc lá, ông Tiến và những người trồng nhãn lâu năm trên địa bàn cho rằng có thể do thời tiết. Bởi năm nay thời điểm nhãn ra hoa (từ tháng Chạp đến tháng Giêng) gặp mưa nhiều, lạnh ít, độ ẩm không khí cao nên dẫn đến nhãn bật lộc lá chứ không nhú lộc hoa.
Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.690ha nhãn, tập trung chủ yếu ở các huyện, thành phố như: Đồng Hỷ, Phổ Yên, Đại Từ, Võ Nhai. Là một trong trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, nên để không làm ảnh đến diện tích trồng nhãn, các địa phương đã và đang tăng cường tuyên truyền, vận động những hộ trồng nhãn quan tâm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho những cây đã ra hoa; không vội chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng cây khác, nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin