Sau nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, thị trường vàng trong nước đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn chưa hết bất ổn, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngày 20/3/2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Người dân mua vàng tại cửa hàng vàng Doji Thái Nguyên. Ảnh: T.L |
Thời gian qua, tình hình thị trường vàng trong nước và thế giới diễn biến khá phức tạp. Trong nước, giá vàng tăng nhanh và biến động khó lường, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ quốc gia.
Lợi dụng tình hình trên, không ít đối tượng đã có hành vi đầu cơ, thổi giá nhằm thao túng thị trường để kiếm lợi. Trước thực trạng này, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường vàng thế giới và trong nước để tham mưu thực hiện các giải pháp bình ổn. Trong đó chủ động xây dựng các kịch bản, phương án điều tiết thị trường phù hợp với biến động tình hình vàng thế giới và trong nước.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hiệu quả nhất để quản lý giá vàng miếng trong nước tuân thủ theo đúng quy luật thị trường, không để chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng trong nước với thế giới.
Tuy nhiên, tình hình thị trường vàng trong nước vẫn chưa ổn định, giá vàng vẫn biến động mạnh dù Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều giải pháp.
Lần này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, yêu cầu cao hơn, cụ thể hơn với mục tiêu quản lý và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng. Cần có ngay phương án đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng, có giải pháp hữu hiệu để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế; quyết tâm không để "vàng hóa" nền kinh tế, không để thị trường vàng bị thao túng. Phải rà soát toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách liên quan hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức, kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình thực tế hiện tại và lâu dài, giúp phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh.
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng thực hiện ngay việc thanh, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cơ sở phân phối, mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để giải quyết; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm cần chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định.
Các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công an theo yêu cầu của Thủ tướng, phải chủ trì, phối hợp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ, thổi giá vàng miếng.
Được biết, ngay chiều tối 20/3/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trực tiếp làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan. Tại đây, Phó Thủ tướng tiếp tục yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến cung, cầu của thị trường vàng trong nước và thế giới, phải bắt "đúng bệnh" để có các giải pháp ứng biến kịp thời, hiệu quả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin