Ở Phú Bình, không ít thanh niên rời làng đi làm ăn xa để mong được đổi đời. Với Vũ Thạch Vượng, xóm Na Đuốc (Tân Kim) lại không như vậy. Vượng đã ở lại ngay mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình với quyết tâm làm giàu. Và chỉ ít năm sau, ước mơ của Vượng trở thành hiện thực.
Bây giờ, anh đã có trong tay cả trại chăn nuôi nhỏ với quy mô nuôi thường xuyên trên 1.000 con gia cầm; 35 lợn con, 20 lợn thịt và 10 lợn nái. Anh khiêm tốn: Năm rồi gia đình xuất bán được 4 tấn gà, 8 tấn lợn thịt và 3 tấn ngan, tổng thu từ chăn nuôi đạt hơn 400 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, gia đình còn hơn mẫu ruộng cấy 2 vụ; 4 sào chè và vườn cây ăn quả cho thu nhập ổn định.
Vượng là Bí thư chi đoàn xóm Na Đuốc bận rộn với công việc gia đình, nhưng khi đoàn viên trong chi đoàn cũng như bà con lối xóm có việc nhờ, Vượng không ngại ngần. Vào các kỳ sinh hoạt đoàn, Vượng trao đổi với các đoàn viên thanh niên trong chi đoàn cách đầu tư vốn phát triển kinh tế. Kinh nghiệm chăn nuôi, phòng, trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Học hết PTTH, lượng sức, Vượng đi học Trung cấp chăn nuôi thú y. Vượng chọn ngành học này vì suy nghĩ ở nông thôn, muốn làm giàu, cách tốt nhất là đầu tư cho chăn nuôi. Bố mẹ anh là một trong số những gia đình chăn nuôi giỏi của xã. Nên gần như toàn bộ hệ thống chuồng trại, bể bioga đều do bố mẹ anh đầu tư nhưng chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm. Còn Vượng, trở về với đầy ắp dự định và kiến thức chăn nuôi hiện đại. Do vậy, các cụ tin, giao cho Vượng quyết định đầu tư chăn nuôi trong khu chuồng trại của gia đình sao cho có hiệu quả nhất. Năm 2005, Vượng nuôi lứa gà 500 con, cùng đó là nuôi thử nghiệm 30 con ngan và hơn 30 con lợn thịt và 3 lợn nái. Vốn đầu tư chưa đủ, anh mang Bìa đỏ của gia đình ra thế chấp Ngân hàng vay được 10 triệu đồng. Cuối năm, trừ chi phí đầu tư, trả lãi Ngân hàng, anh có một khoản lãi làm vốn đầu tư trở lại cho chăn nuôi. Cứ như vậy, lứa gia cầm đợt sau lại được đầu tư nhiều hơn, có thời điểm anh nuôi tới gần 2.000 con gà, 700 con ngan/lứa. Vượng cho biết: Năm nay, tôi chỉ đầu tư cho nuôi ngan và lợn.
Nhìn đàn ngan lai trắng phau như thiên nga trong vườn, mấy ai biết được cái nghề chăn nuôi của Vượng cũng lắm phen truân chuyên. Mỗi lần nghe thấy ở đâu có dịch cúm gia cầm thì cả đêm nằm không chợp được mắt. Lúc gà, ngan đến tuổi xuất bán, lại lo tìm đầu ra. Cuối năm vừa rồi ngan vịt hạ giá, mỗi cân mất 10.000 đồng, tổng thiệt hại từ sự mất giá này khoảng hơn 1,5 triệu đồng, nhưng tính tổng thể thì Vượng vẫn có lãi dòng cả năm trong chăn nuôi được trên 60 triệu đồng.
Vượng tâm sự: Điều cơ bản là mình phải biết tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi như tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại và nhiệt độ trong chuồng luôn phải điều chỉnh sao cho phù hợp với độ tuổi của gia cầm.
Có thể khẳng định, quyết tâm làm giàu của Vượng ngay trên đất quê hương đã có sự thành công bước đầu, là tiền đề để anh bước tiếp những bước đi dài hơn.