Chúng tôi trở lại Phú Đình (Định Hoá) trong những ngày tháng Tám lịch sử để tìm gặp đảng viên Ma Đình Đường, cựu chiến binh năm xưa giờ là một tấm gương làm giàu ngay từ đất, rừng quê hương.
Mô hình kinh tế của gia đình bác Đường cũng không lớn như một số trang trại ở Đại Từ, Phú Lương, Phổ Yên mà chúng tôi đã có dịp tới tham quan. Gần một mẫu ruộng, 4 sào ao, 1,5ha vườn rừng, nhưng nhờ có cách tính toán chi tiết, phân công lao động phù hợp nên hiệu quả kinh tế khá cao. Bác Đường bộc bạch: “Tôi là nông dân không có nhiều kiến thức nên không thể làm liều mà phải đi từ mô hình nhỏ rồi khi có kết quả tốt mới nhân rộng. Để nuôi, trồng thành công những loại giống mới cũng không thể tự mình mò mẫm mà phải đọc sách, xem báo, xem ti vi và tìm đến những mô hình đã làm thành công để học hỏi tích luỹ kinh nghiệm”.
Với cách làm này bác Đường đã sử dụng 9 sào ruộng để cấy lúa bao thai truyền thống của Định Hoá, 4 sào ao nuôi cá và một số loại thuỷ sản khác, 1,5 rừng được phân vùng đất dốc trồng cây lấy gỗ, đất gần khe suối trồng các loại cây dược liệu, đất gần nhà trồng cây ăn quả và chè. Riêng 4 sào ao lại được chia ra làm nơi nuôi cá thịt, cá giống, đặc biệt có một khu cách ly để nuôi ba ba. Phía bờ ao gần nhà, bác Đường xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn, gia cầm để tận dụng nguồn chất thải làm thức ăn cho thuỷ sản. Với mô hình tổng hợp này gia đình bác Đường đã phát huy tối đa thế mạnh các loại cây trồng, vật nuôi và sức lao động trong nhà.
Theo tính toán của bác Đường hiện thu nhập từ cây chè đạt 6 triệu đồng/năm, thu từ bán lúa đạt 15 triệu/năm, thu tiền bán cá đạt 8 triệu đồng/năm, nuôi ba ba cho thu nhập 15 đến 18 triệu đồng/năm, nuôi trâu, lợn cho thu nhập gần 20 triệu đồng/năm, tiền bán gỗ, dược liệu và hoa quả khoảng 20 triệu đồng. Bình quân tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng trên 80 triệu đồng.
Kinh tế ổn định và có sự tăng trưởng nên đời sống của gia đình bác Đường thuộc bậc khá ở Đồng Hoàng. Là đảng viên, cựu chiến binh lại làm kinh tế giỏi, gia đình hoà thuận nền nếp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con láng giềng nên bác Đường được người dân ở Đồng Hoàng yêu mến và kính trọng.