''Sư phụ'' của nghề ươm, chiết, trồng cây ăn quả

09:46, 26/08/2008

Đó là ông Vũ Ngọc Nhân, xóm Đá Gân, xã Đồng Liên (Phú Bình). Mỗi năm ông bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 1 vạn cây giống các loại, riêng táo là 5.000 cây. Từ nguồn này, mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng

Cầm chùm nhãn căng mọng mời chúng tôi, ông cười khà khà: Vụ nhãn này khá lắm, tôi bán cả vườn, đút túi được 35 triệu đồng. Tuần trước, nhà buôn vừa vào bẻ được 4 tấn, năm nay nhãn sai thật, cả vườn 40 cây, cây nào cây nấy sai chĩu chịt. Nghe chúng tôi hỏi tại sao trong khi rất nhiều gia đình trồng nhãn năm nay chẳng cho quả nào thì nhãn của ông lại sai đến vậy? ông lại cười: Có bí quyết gì đâu, nhãn không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều, chỉ cần đúng thời điểm ắt sẽ cho thu hoạch. Thời điểm chăm sóc của nhãn là ngay sau khi thu hoạch, cần phải cắt bỏ những cành vô hiệu, sau đó bón phân để cây chóng hồi phục. Khi cây bắt đầu ra hoa thì phun thuốc chống nấm, kết hợp với diệt bọ xít, chăm sóci, nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ việc kê cao gối chờ đến ngày thu hoạch.

 

Kết thúc câu chuyện về nhãn, nghe ông kể về chuyện làm ăn của mình mới thấy nhãn không phải là cây trồng chính của ông, mà cây chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế là cây táo. Dẫn chúng tôi đi dọc vườn táo đang rộ hoa, ông tâm sự: “Bao năm bôn ba tìm tòi, từ chỗ vay lãi ngân hàng 5 triệu đồng mua cây vải để chiết ghép bán cây giống đến ươm giống thử nghiệm na, xoài, ổi, nhãn... Năm 2002, nghe ti vi giới thiệu về giống đại táo và táo xuân 21, tôi thấy tâm đắc liền lặn lội xuống tận Hà Nội để mua 5 cây táo giống về trồng thử. Vụ đầu tiên táo đã cho trái to, trọng lượng trung bình từ 10-15 quả/kg, khi ăn có vị ngọt dịu, mỗi khi có khách đến chơi tôi đều hái táo mời nếm thử. Thấy nhiều người thích ăn, năm sau tôi tự chiết cành, cải tạo diện tích đất của gia đình trồng thêm.”

 

Đại táo và táo Xuân 21 bán có giá gấp 3-4 lần táo thường, năm sau ông lại mua thêm đất mở rộng diện tích trồng táo, mỗi năm một ít, đến nay diện tích táo của ông đã lên đến xấp xỉ 1ha. Mỗi lứa táo thu hoạch trên dưới 100 triệu đồng. Chia sẻ về kỹ thuật trồng táo, ông cho biết: “Táo là cây ngắn ngày, chính vì vậy, sau khi thu hoạch vào khoảng tháng 11 Âm lịch cần cắt tận gốc, thời gian này có thể trồng lạc, đỗ xung quanh để gối vụ. Đến cuối tháng 3, táo lại bắt đầu nảy mầm, lúc này cần bón phân để nuôi dưỡng mầm và thúc cây phát triển. Trước lúc hoa nở cần phun thuốc trừ sâu, sở dĩ phải phun trước lúc hoa nở vì để tránh thuốc làm hại hoa.”

 

Ngoài táo, nhãn, ông Nhân còn giữ nghề ươm, chiết cây giống từ thuở lập nghiệp. Mỗi năm ông bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 1 vạn cây giống các loại, riêng táo là 5.000 cây. Từ nguồn này, mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

 

Từ chỗ mua cây về chẻ lạt, gom túi nilon chiết thử, rồi mày mò sách báo để học tập kỹ thuật, cùng với đến một số mô hình học hỏi thêm, đến nay ông Vũ Văn Nhân đã trở thành “sư phụ” trong lĩnh vực ươm, chiết và trồng cây ăn quả và có một nhà vườn rộng trên 1ha với đầy đủ các loại cây được giới nhà vườn các nơi đến mua giống và học tập kinh nghiệm.