Tận dụng lợi thế của địa phương để làm giàu

09:27, 05/08/2008

Ngôi nhà anh Phạm Trần Quang, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) như một biệt thự nằm giữa những vạt chè xanh. Trong nhà có đầy đủ những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền cho thấy cuộc sống của gia đình anh khá vương giả. Anh cho biết: Mấy năm nay, gia đình anh khấm khá lên nhiều là nhờ vào nghề làm chè.

Sống giữa vùng chè đặc sản Tân Cương, nhưng anh không mở rộng trồng chè như bao gia đình khác mà chủ yếu thu mua chè của các hộ lân cận để về đánh mốc, đánh hương, bao gói rồi bán buôn, bán lẻ cho các cơ quan, đơn vị trong, ngoài tỉnh.

 

Anh Quang tâm sự: Năm 1991, vợ chồng anh ra ở riêng với trên 2.000m2 đất đồi bố mẹ cho. Lúc đó, diện tích đất này chỉ có vài cây chè bố trồng để thỉnh thoảng bẻ cành đun nước uống. Nhìn vạt đồi cằn, anh chẳng biết trồng cây gì cho thích hợp, đành xới xáo trồng 3 sào chè giống trung du chỉ để... lấp đất trống. Ban đầu, những kiến thức sơ đẳng về kỹ thuật trồng chè anh cũng không có, giá bán 1 kg cao nhất cũng chỉ được 40.000 đồng, nên lứa thu hoạch đầu chẳng lãi được bao nhiêu. Cơm áo chẳng đủ nuôi con, anh đành quay sang mở hàng tạp hóa bán ở chợ xã, rồi hàng nước... Nhưng vất vả cũng chẳng giảm bớt, những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh khiến anh phải trăn trở suy nghĩ cách vươn lên. Anh thầm nhủ: Sống giữa vùng chè đặc sản nổi tiếng này mình phải bám vào cây chè mà làm giàu. Với ý nghĩ này, anh quyết tâm tìm tòi học hỏi những kiến thức liên quan đến cây chè. Anh không đầu tư vào trồng chè là do đất ít, lực lượng lao động lại chỉ có 2 vợ chồng, anh tập trung vào tìm hiểu về kỹ thuật đánh mốc, đánh hương để tạo ra loại chè có hình thức đẹp, hương thơm nồng đượm và vị ngọt hậu để tạo ra thương hiệu cho riêng mình trong cái thương hiệu chung của chè Tân Cương.

 

Anh cho biết thêm: Đánh hương, đánh mốc chủ yếu là theo yêu cầu của khách đặt, có khách yêu cầu cánh đẹp, xoăn thì mình làm theo, tuy nhiên, đa phần là phải tuỳ vào từng loại chè, đối với chè đã được sao chín thì phải quay vừa phải để tránh cháy quá sẽ bị vụn, mất hương, đối với chè sao chưa chín thì phải đánh kỹ hơn để chín thấu vào tận lõi. Một bí quyết nữa là chè hái về đến đâu cần được tãi ra hong khô và sao ngay trong ngày mới giữ được mùi vị và đặc biệt là tuyệt đối không được đảo mạnh để tránh bầm dập. Với những bí quyết đó, cơ sở sản xuất chè Quang Huyền dần dần được các thương gia biết đến như một kho chè đặc sản ở Tân Cương. Hễ cần là chỉ gọi điện, nói thời gian giao chè là có hàng đúng hẹn, đúng mẫu mã theo yêu cầu.

 

Mỗi năm, cơ sở sản xuất chè Quang Huyền xuất bán 60 tấn chè, riêng bán cho tổng Công ty chè Việt Nam cũng được 20 tấn/năm. Ngoài ra, anh còn bán ở chợ các xã lân cận. Mỗi khi có khách đặt hàng với số lượng lớn anh phải thuê thêm nhân công về sàng, sẩy, bao gói mới kịp cho khách lấy. Cơ sở của anh làm ra không kịp giao, anh tâm sự: Nhà không có nhiều lao động nên nhiều đơn đặt hàng đành phải từ chối. Hiện nay, chỉ riêng bán ở các chợ trong khu vực đã không làm xuể, nội tiêu mỗi ngày cũng từ 2-3 tạ rồi, nên những nơi xa chúng tôi đành từ chối.

 

Đi lên từ con số không, đến nay gia đình anh đã có cuộc sống đầy đủ, 2 con ngoan ngoãn, học giỏi, anh Quang chiêm nghiệm: Làm giàu không khó, quan trọng là phải biết tận dụng lợi thế của địa phương.