Từ 2 bàn tay trắng, bác Tạ Văn Tuyên, xóm Nhị Hoà, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) đã cải tạo một vùng đất hoang hóa lâu năm thành một trang trại hiệu quả kinh tế cao nhờ vào những phương pháp mới mẻ và có chút kỳ lạ trong trồng trọt và chăn nuôi.
Thức ăn chính mà bác Tạ Văn Tuyên dùng để chăn lợn, nuôi cá là bim bim dành cho trẻ em đã quá hạn sử dụng và các loại bánh phế phẩm khác. Cứ khoảng 3 tháng, bác lại nhờ người quen ở Hà Nội mua các loại thức ăn này trong các nhà máy bánh kẹo về để chăn nuôi. Bác cho biết: Loại thức ăn này giàu chất dinh dưỡng, giá thành. Mỗi tấn thức ăn là 100 bao có giá 5 triệu đồng, đổ cho cá ăn thoả thích 3 tháng mới hết 100 bao. Nếu sử dụng loại thức ăn chế biến riêng cho cá thì mỗi bao là 270 nghìn đồng, 100 bao thì số tiền chi phí sẽ lên đến 27 triệu đồng cũng trong thời gian 3 tháng. Mỗi năm, bác xuất bán khoảng 5 tấn cá các loại, thu khoảng 150 triệu đồng. Riêng đối với lợn, bác lấy loại thức ăn đặc biệt này trộn với cám công nghiệp theo tỷ lệ 50/50 và chỉ già 2 tháng đã được xuất 1 lứa. Trong khi trước đây nuôi bằng cám công nghiệp thì để nuôi một lứa lợn như vậy phải mất đến hơn 3 tháng. Đầu tháng 9 vừa qua, bác đã xuất 18 con lợn thịt, với tổng trọng lượng trên 1 tấn, thu về 40 triệu đồng. Với loại thức ăn đặc biệt này, mỗi năm bác đã tiết kiệm được hàng trăm triệu tiền thức ăn chăn nuôi.
Không chỉ có bí quyết riêng trong chăn nuôi, mà trong trồng trọt bác Tuyên cũng là người có nhiều phương pháp lạ. Bác khẳng định: Tôi có thể ép nhãn ra quả bằng cách khoanh gốc cây. Lấy một con dao hình lưỡi liềm, rồi cứa quanh gốc nhãn cho đứt lớp da ngoài, bác Tuyên giải thích: Vào thời điểm tháng 12 thường có mưa to kéo dài, nên cắt đứt lớp da có tác dụng hấp thu nước của cây để ngăn không cho cây uống nhiều nước, kích thích cây ra hoa. Nếu không khoanh gốc, cây uống no nước sẽ ra nhiều lộc mà "quên" đơm hoa, mà cây không có hoa ắt năm đó sẽ mất mùa.
Quả thật, vườn nhãn 600 cây nhà bác, cây nào cũng có rất nhiều vết khoanh. Bác Tuyên cho biết: Đó là dấu vết qua các lần khoanh, mỗi năm một lần cứ khoanh từ thấp đến cao. Cũng nhờ kỹ thuật này, mà từ khi bắt tay vào cải tạo vườn nhãn (năm 2005) đến nay, cho dù có năm nhãn của các hộ quanh vùng chẳng cho quả nào thì vườn nhãn nhà bác vẫn trĩu cành. Mỗi năm từ vườn nhãn này cho thu nhập 50-60 triệu đồng. Riêng năm nay bác thu về ước khoảng gần 10 tấn quả, trị giá khoảng 70 triệu đồng.
Trước ngôi nhà như một biệt thự được xây dựng trên cao nhìn ra ao cá rộng gần 1ha và vườn nhãn đang độ chín, bên cạnh là khu chuồng trại được xây khép kín có hệ thống thoát nước ngầm quy củ, bác Tuyên tâm sự: Diện tích 4ha này trước đây còn là vùng đất hoang hóa. Năm 1995 tôi thuê được và bắt tay vào cải tạo dần. Quá trình cải tạo đất, xây dựng trang trại, tôi chia ra làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 1995 đến 2000) là hoàn thiện nền móng toàn diện mô hình VAC từ thấp đến cao, xây dựng hệ thống tưới tiêu, giao thông đi lại thuận lợi. Giai đoạn 2 (từ năm 2000-2005) bắt tay vào thử nghiệm mô hình trồng trọt, chăn nuôi từ số lượng ít đến đại trà, đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện điện khí hóa trang trại.
Hiện nay, trang trại của bác đã hoàn thiện và đem lại hiệu quả cao mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng đã trừ chi phí. Không dừng lại ở đó, bác đã và đang xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để nuôi lợn với quy mô lớn và thực hiện ý tưởng biến trang trại của mình trở thành một nơi nghỉ ngơi, dạo chơi lý tưởng.