Nữ thợ hàn giỏi

08:48, 11/04/2012

Anh Hàn Ngọc Ký, Tổ trưởng Tổ sửa chữa cơ ngày, phân xưởng Cơ điện, Nhà máy luyện thép Lưu Xá (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) nhận xét: Chị Lê Thị Liên là chủ công hàn của tổ, nhiều năm liền đạt thợ giỏi toàn diện, được nâng lương trước thời hạn. Chị là thợ hàn bậc 6 từ năm 2003 (6 năm làm thợ hàn), mọi công việc khó, đòi hỏi kỹ thuật cao chị đều hoàn thành rất tốt.

Khi chúng tôi hỏi, nghề hàn thường dành cho nam giới bởi tính độc hại, nặng nhọc, lý do gì mà chị lại thích nghề này? Chị Liên trả lời ngay: Khi còn nhỏ được theo bố mẹ vào nhà máy, chị đã rất thích và mong muốn sau này được làm thợ hàn. Lớn lên chị đã thi vào Trường cao đẳng Nghề cơ điện - luyện kim Thái Nguyên và làm việc tại Nhà máy từ năm 1990 nhưng đến năm 1997 chị mới chuyển sang phân xưởng cơ điện và làm công việc của một thợ hàn.

 

Trước đây, việc hàn má ôm điện cực Nhà máy phải đi thuê vì không có ai làm được, chị Liên đã tìm hiểu, mày mò và thử hàn nhiều lần, cuối cùng chị cũng thành công. Tháng 3-2003, chị đã đạt thợ giỏi toàn diện cấp Công ty và được nâng lương trước thời hạn. T

 

Theo chị Liên thì việc hàn má ôm bằng đồng, kết cấu lớn ngoài việc áp dụng đúng lý thuyết hàn thì đòi hỏi người thợ hàn biết ra nhiệt đúng độ, nghiêng que hàn vừa phải, cữ tay đặt mối hàn, điều chỉnh dòng điện phù hợp với vật liệu hàn nếu không mối hàn sẽ bị cháy, sùi… những kinh nghiệm đó chỉ qua làm thực tế mới có. Hơn nữa, ngoài giờ làm, chị còn xem thêm tài liệu trên mạng, nghiên cứu cẩm nang hàn, kỹ thuật hàn điện, hàn hơi, hàn kim loại màu… để áp dụng vào công việc một cách hiệu quả.

 

Với đặc thù công việc của Tổ Sửa chữa cơ ngày, chị đã sắp xếp công việc gia đình để có thể làm 2, 3 ca liên tục, bởi sự cố máy móc đòi hòi phải sửa chữa xong trong thời gian sớm nhất để dây chuyền của Nhà máy hoạt động trở lại. Chồng chị công tác cùng Nhà máy nên đã thông cảm và chia sẻ công việc gia đình, để chị toàn tâm hoàn thành công việc được giao.

 

Chị Liên chia sẻ: Tôi thường chọn chế độ cho từng công việc cụ thể. Đối với những việc khó, mình chưa chắc chắn có làm được không thì sẽ hỏi những người đi trước hoặc cùng các chị em trong tổ bàn bạc, trao đổi để tìm ra cách làm tốt nhất, bởi mỗi người một ý kiến đóng góp sẽ hiệu quả hơn là suy nghĩ chủ quan của một người. Qua đó, trình độ của mỗi người sẽ được nâng lên, hiệu quả công việc cũng sẽ cao hơn…