Người có sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng

10:15, 04/05/2012

Đó là anh Nguyễn Văn Cừ, sinh năm 1977, Tổ trưởng Tổ Sản xuất thuộc Phòng Chiết rót sữa chua ăn - Công ty Sữa Elovi. Với sáng kiến Cải tạo hệ thống van rót sữa, anh đã làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sinh ra và lớn lên ở xã Thuận Thành, sau khi học hết THPT, anh Cừ xin vào làm công nhân tại Nhà máy Sữa Elovi. Ban đầu, khi mới vào làm, anh chưa nắm hết cách vận hành thiết bị máy móc và các quy trình kỹ thuật sản xuất nên hiệu quả công việc chưa cao. Nhưng không ngại kho, ngại khổ, tranh thủ những giờ vệ sinh máy, anh mày mò tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những người đã làm lâu năm.

 

Anh nói: Trong quy trình sản xuất, đóng gói sữa chua phải đặc biệt chú ý công đoạn gia công định hình cốc đựng sữa. Bởi máy thường xảy ra các sự cố như: Làm mỏng cốc và không đặt nắp vào đúng vị trí miệng cốc. Vì vậy, trong khi làm, chúng tôi phải chú ý tất cả các hoạt động của máy từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Dần dà có tay nghề cao, luôn đầu tầu gương mẫu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên anh đã được đề bạt làm Tổ trưởng Tổ Sản xuất. Anh Cừ đã nỗ lực cùng anh em công nhân trong tổ tiến hành vận hành máy và đóng gói sản phẩm sữa chua hộp đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng nhanh, đầy đủ theo yêu cầu của Công ty, không để xảy ra tình trạng mất an toàn trong lao động.

 

Anh Cừ tâm sự: Chúng tôi thường thay phiên nhau làm việc 3 ca mỗi ngày nên phải biết sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo sản xuất hiệu quả mà vẫn có thời gian nghiên cứu để chữa “bệnh” của máy móc trong quá trình vận hành. Điều đáng trân trọng là trong quá trình làm việc, anh Cừ đã không giữ “bí quyết” thành công riêng cho mình mà luôn giúp đỡ anh em, đồng nghiệp cùng tiến bộ. Nói về sáng kiến của mình, anh Cừ chia sẻ: Trong quá trình vận hành máy rót sữa chua ăn, tôi nhận thấy, phần màng cao su có nhiệm vụ đóng mở van để rót sữa có tuổi thọ rất ngắn, hay bị rách màng van, thường phải thay mất nhiều thời gian, chi phí. Tôi đã nghiên cứu và nhận thấy bộ phận đó có thể cải tiến được mà vẫn đáp ứng nhiệm vụ đóng mở van bằng cơ cấu van dạng pit-tông. Màng van bằng cao su có nhiệm vụ đóng kín mặt bích không cấp sữa chua vào cốc khi đạt định lượng và mở ra để rót sữa chua vào cốc. Tôi đã đưa ra phương án cải tạo là không dùng màng van bằng cao su co giãn để đóng mở van nữa mà thay vào đó dùng cơ cấu van đóng mở dạng pit-tông, phần nhựa sẽ thay thế màng cao su để đóng mở mặt bích. Chi phí gia công của 1 van hết 1 triệu đồng. Theo thiết kế của máy rót sữa chua SUMEC có 8 đầu rót, mỗi đầu có 2 van điều khiển để đóng mở. Như vậy, mỗi máy có 16 van điều khiển rót sữa chua. Tổng chi phí cho thay thế hệ thống van của 1 máy hết 16 triệu đồng. Trước khi cải tiến, mỗi màng van đóng mở chỉ hoạt động được tối đa 200 giờ làm việc thì sau khi cải tiến đã lên tới 1.000 giờ làm việc. Chi phí thay thế 1 van trước khi cải tiến là 700 nghìn đồng, nay chỉ còn 200 nghìn đồng. Thời gian đặt hàng rút từ 4 tuần xuống còn 1 tuần và có thể đặt mua trong nước chứ không phải đặt tại nước ngoài như trước. Như vậy, sáng kiến trên đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sữa chữa và rút ngắn thời gian đặt hàng cho Công ty.

 

Anh Cao Văn Kiên, Chủ tịch công đoàn Công ty Sữa Elovi nhận xét: Anh Cừ là người luôn gương mẫu trong sản xuất, được các anh em tin tưởng, quý mến. Sáng kiến của anh không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho Công ty mà còn góp phần cổ vũ công nhân viên chức, lao động hăng hái thi đua phấn đấu đạt hiệu quả cao sản xuất. Với những nỗ lực, cố gắng của mình, vừa qua, anh Cừ đã vinh dự được Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo.