Người hiểu “bệnh” của máy móc

14:05, 10/05/2012

Năm 1976, Tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Vũ Đình Hiệp rời quê hương Hải Dương vào làm việc tại Nhà máy luyện thép Lưu Xá (Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên) và gắn bó từ đó đến nay. Hiện, Hiệp là Trưởng ca Phân xưởng Công nghệ của Nhà máy.

Năng động, nhiệt tình, trách nhiệm cao trước công việc là những nhận xét rất khái quát của ông Đàm Trọng Lệ, phụ trách công tác thi đua, sáng kiến tiết kiệm của Nhà máy khi nói về anh Hiệp. Để minh chứng cho những nhận xét của mình, ông Lệ đã đưa chúng tôi đi thăm Phân xưởng Công nghệ - nơi anh Hiệp đang trực tiếp làm việc. Nhiệm vụ chính của ca là chuẩn bị thùng lò đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để chứa thép lỏng, tinh luyện tại lò và đúc rót thép đảm bảo an toàn, không có sự cố trong quá trình làm việc.

 

Trên cương vị trưởng ca (từ năm 1987 đến nay), anh Hiệp đã cùng với tập thể lãnh đạo Nhà máy làm tốt công tác điều hành sản xuất, tập trung khai thác triệt để công suất của thiết bị và kịp thời khắc phục sự cố, đồng thời tận dụng thời gian ngừng sản xuất do khách quan, anh đã cùng với anh em trong ca tranh thủ bảo dưỡng thiết bị như cửa trượt, hệ thống pít tông, cút nối nhanh… giảm tối thiểu thời gian ngừng lò để sửa chữa. Anh Hiệp thường chủ động xây dựng phương án sửa chữa các máy móc căn cứ vào tình trạng “bệnh” của từng thiết bị, trong đó tập trung nghiên cứu phương án sửa chữa lò thùng đảm bảo kịp thời phục vụ sản xuất, bởi đây là thiết bị quan trọng trong quá trình luyện thép.

 

Anh Hiệp chia sẻ: Gắn bó với máy móc đã mấy chục năm nay (máy móc của Trung Quốc được đưa vào sử dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước) nên tôi hiểu rõ “sức khoẻ” của từng thiết bị để từ đó “kê đơn thuốc” phù hợp, đồng thời có kế hoạch bảo dưỡng, duy tu định kỳ, không để phải sửa chữa lớn, ảnh hưởng đến sản xuất, kế hoạch của Nhà máy.

 

Là trưởng ca trực tiếp sản xuất tại phân xưởng, anh Hiệp đã có nhiều giải pháp công nghệ như: Tăng cường kiểm tra hệ thống cửa trượt, lò xo bàn trượt, giảm tiêu hao vật liệu chịu lửa, tăng tuổi thọ lò, tăng chất lượng thép phôi thành phẩm… Vá đắp, tận thu, tái chế, sử dụng lại vật tư nhằm giảm tiêu hao vật liệu chịu lửa, nâng cao tuổi thọ lò, có biện pháp bảo vệ cơ cấu bàn trượt, các xi lanh đóng mở bàn trượt, đáp ứng kịp thời cho sản xuất. Đầu tư cải tạo, thiết kế lại các thiết bị điện, cơ quanh lò, hợp với công nghệ, đạt tuổi thọ cao…

 

Trung bình mỗi năm, anh Hiệp có 1 sáng kiến, giải pháp công nghệ hợp lý hoá sản xuất, tiết kiệm vật liệu, tăng năng suất máy móc, thiết bị. Gần đây nhất, năm 2011, anh Hiệp đã có sáng kiến Khôi phục, tái tạo lại hệ thống bàn trượt Interstop. Đây là bàn trượt đã bị sự cố từ đầu năm nhưng Nhà máy chưa mua được thiết bị thay thế (nếu mua mới khoảng 1 tỷ đồng và phải đặt mua từ nước ngoài). Anh Hiệp đã mất hơn 1 tháng để nghiên cứu, mày mò khắc phục, hàn lại bàn trượt bằng gang, khôi phục 3 trượt động (nếu mua mới mất 36 triệu đồng/cái) và đến nay đã đưa bàn trượt vào sản xuất.

 

Ông Đàm Trọng Lệ thông tin thêm: Anh Hiệp không chỉ là “cây” sáng kiến, mà trong công tác quản lý, anh đã cùng lãnh đạo Phân xưởng tổ chức rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn chỉnh các quy chế về quản lý với phương châm: Quy chế hoá các mặt quản lý và coi quy chế là công cụ quản lý chính. Nhờ đó công tác quản lý đã đi vào nền nếp, khắc phục tình trạng công nhân vi phạm kỷ luật lao động trong đơn vị, đặc biệt là khâu quản lý vật tư, kho bãi; khắc phục cơ bản những tồn tại về công tác vệ sinh mặt bằng sản xuất và khuôn viên Phân xưởng…

 

Được biết, hàng năm các chỉ tiêu của Nhà máy đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, chỉ tính riêng năm 2011, tổng sản phẩm đạt gần 400 nghìn tấn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 146 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt gần 7 triệu đồng/người/tháng, đóng góp vào các quỹ xã hội từ thiện trên 250 triệu đồng… Những thành công đó có đóng góp không nhỏ của những người thợ bậc cao như anh Hiệp cũng như đội ngũ cán bộ, người lao động Nhà máy đã tích cực phát huy sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất và tiết kiệm vật tư, năng lượng để nâng cao năng suất, giảm cường độ lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần đưa đơn vị ngày một phát triển.