Một tấm lòng tiêu biểu về y đức

16:37, 08/12/2012

Trong buổi gặp mặt tuyên dương những tình nguyện viên tiêu biểu của Hội chữ thập đỏ tỉnh năm 2012, hình ảnh một ông cụ tình nguyện viên có khuôn mặt nhân từ chia sẻ về công việc đã thu hút sự chú ý của mọi người. Ông là thày thuốc ưu tú Nguyễn Kim Chi, 83 tuổi, sống tại tổ 13, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên).          

Tại buổi gặp mặt ông chia sẻ: Hàng tháng tôi đi lấy lương hưu. Thấy mọi người đều phải chờ đợi đến lượt mình. Tôi nghĩ giá có thể làm việc gì có ích trong khoảng thời gian đó. Từng là nhân viên y tế thôn bản nên tôi sẽ dùng chuyên môn của mình để giúp đỡ mọi người.

 

Nghĩ là làm, từ năm 2005 đến nay, đều đặn vào ngày lĩnh lương hàng tháng, ông đến địa điểm phát lương từ rất sớm nhưng không phải để được lĩnh lương trước. Mỗi lần đi ông mang theo máy đo huyết áp, đo rồi tư vấn sức khỏe cho tất cả những ai có nhu cầu và ông luôn là người lĩnh lương sau cùng. Ở khu phố của ông mọi người được chia làm 2 điểm để nhận lương hưu. Ông chỉ có thể giúp kiểm tra sức khỏe cho mọi người ở địa điểm ông lấy lương nên ông đã vận động bà Dương Thị Duyên (y sĩ đông y) lấy lương ở tổ bên cùng làm công việc giống mình.

 

Công việc này còn được ông làm trong những buổi họp chi bộ, họp tổ dân phố. Cứ như vậy mọi người đã quen với việc được ông kiểm tra, tư vấn về sức khỏe. Từ năm 2009, ông thành lập một chốt sơ cấp cứu tại nhà. Những người bị va quệt giao thông ở khu vực này tìm đến đều được ông sơ cứu và cho thuốc miễn phí. Khi được hỏi về những việc đã làm ông khiêm tốn bảo: Nghĩ mình cũng có chút chuyên môn nên muốn dùng nó để giúp đỡ mọi người.

           

Thật bất ngờ khi đến thăm nhà ông, tôi mới biết ông không chỉ đơn thuần là một nhân viên y tế thôn bản, đó chỉ là cách nói khiêm tốn của ông. Năm 1982 ông đã được Bộ Y tế chỉ định làm trưởng đoàn chuyên gia y tế Việt Nam tại Angola (Châu Phi). Đến năm 1985 ông lại được Bộ Y tế cử sang Phnom Penh (Campuchia) làm Viện Trưởng Bệnh viện Chuyên gia của Việt Nam tại đây. Năm 1989 ông về nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên (nay là Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên). Cuộc nói chuyện giữa tôi và ông liên tục bị ngắt quãng vì ông có khách đến nhờ ông chữa bệnh. Có người lần đầu đến, có người đã thành khách quen.

         

Chị Nguyễn Thị Thái, xóm Bầu, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: "Tôi bị đau lưng đã nhiều năm rồi, chúng tôi ở nông thôn không có điều kiện  chạy chữa nhiều, may có người mách tìm đến cụ đây. Tôi đã được cụ điều trị cho mấy hôm cũng thấy đỡ nhiều rồi. Ngoài tiền thuốc tiêm 15 nghìn đồng ra cụ không lấy của tôi một đồng tiền công nào cả. Cháu dâu tôi cũng đã từng được cụ trị bệnh. Trên đời còn những người như cụ thật phúc đức quá!".

 

Tôi hỏi, cơ duyên nào khiến ông trở thành y tế thôn bản?. Ông tâm sựt: "Tròn 60 tuổi tôi nghỉ hưu, lúc đó bên y tế phường nhờ tôi đảm trách công việc của nhân viên y tế thôn bản, thế là tôi làm.

 

Tôi lại hỏi: Đã từng là một chuyên gia công tác nhiều năm tại nước ngoài, từng là bác sĩ phụ trách một phòng khám quan trọng ở Bệnh viện đa khoa Trung ương tỉnh, ông nghĩ sao về công việc y tế thôn bản nhỏ bé như bây giờ?. Ông cười bảo: Tôi nghĩ làm việc ở đâu, vị trí nào không quan trọng, quan trọng là tôi được đem kiến thức và tâm huyết của mình để phục vụ mọi người. Đảng, Nhà nước đã đào tạo cho tôi có nghề nghiệp, giờ về không làm gì thì lãng phí lắm".

         

Với suy nghĩ ấy, nhiều năm qua, bất kể ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, chiếc xe đạp thống nhất là bạn, hễ có nhà nào có người ốm đau tìm đến là ông lại sẵn sàng có mặt, tận tâm chăm sóc như người trong gia đình. Ông kể có lần có anh công an (đến giờ ông vẫn chưa biết tên) đến tìm ông rụt rè bảo: "Bố con đang bị ốm rất nặng, con muốn nhờ ông đến khám giúp". Chẳng kịp hỏi xem anh ta là ai, ông vội vào trong lấy chiếc áo mưa và túi đựng đồ trèo lên xe máy. Chuyến đi đó ông lên tận Bắc Kạn, đi qua Chợ Mới chừng mấy cây số. Ông khám bệnh, dặn dò người nhà cho bệnh nhân uống thuốc theo đơn ông đã kê rồi lại quay về Thái Nguyên. Gia đình anh công an nọ muốn gửi ông chút tiền để bày tỏ lòng biết ơn ông, ông một mực từ chối với lý do ông đi khám bệnh không phải để lấy tiền.

         

Ông là vậy, chưa bao giờ ông nề hà bất cứ chuyện gì. Quanh khu phố ông sống có những bệnh nhân mắc AIDS giai đoạn cuối, mọi người đều tránh né ngại tiếp xúc, còn ông hàng ngày vẫn đến tiêm, cho uống thuốc, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc mà chẳng lấy một đồng tiền thù lao nào. Không chỉ dùng y đức của mình giúp đỡ những người bệnh, ông còn luôn gương mẫu, tích cực trong các phong trào của địa phương: 13 năm được bà con tín nhiệm làm tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng người cao tuổi, tình nguyện viên chữ thập đỏ... dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành công việc được giao một cách xuất sắc. Với những đóng góp của mình, năm 2001 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú"…

 

 

Những gì ghi lại trên đây chỉ phác họa được một phần rất nhỏ chân dung của một tấm lòng cao quý. Lời nói của ông khiến tôi thấy ấm lòng và hẳn cũng khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ: "Tiền thì ai cũng quý nhưng với người thầy thuốc y đức là thứ còn giá trị hơn nhiều".