Đã bước sang năm thứ 5, đều đặn vào các sáng Chủ nhật hàng tuần, bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên lại được phục vụ cháo ăn miễn phí...
Cách đây khá lâu, một chiều cuối Đông năm 2009, sư cô Thích Đàm Tâm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thăm bệnh nhân nghèo. Nhà sư phát hiện trong Bệnh viện có nhiều bệnh nhân ăn bánh mỳ, có người nhịn bữa sáng vì trong túi không có tiền, nhưng vẫn phải chấp hành việc uống thuốc hoặc tiêm thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Sau lần đó, nhà sư suy nghĩ rất nhiều và đi đến quyết định phát tâm công đức, giúp đỡ bệnh nhân nghèo bằng bát cháo nhân ái.
Để thực hiện được hành động tâm đức này, nhà sư đã liên hệ, trao đổi với Ban Giám đốc Bệnh Viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên về việc nấu cháo giúp đỡ bệnh nhân nghèo vào mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần. Ý nguyện của nhà sư được Ban Giám đốc Bệnh viện tán đồng, đồng thời giao cho cán bộ, y, bác sĩ Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện phối hợp tổ chức. Ngay sau đó, nồi cháo của lòng nhân ái được đặt tại khu vực nhà ăn của Khoa Dinh dưỡng. Để giảm giá thành, Bệnh viện còn hỗ trợ thêm “các khoản phí” là: Điện, nước, than, củi, bát, thìa và bàn nghế cho bệnh nhân ngồi ăn. Sư cô Thích Đàm Tâm và bà Hồ Thị Thái, người làm phận sự chấp tác cho sư cô đã trực tiếp cùng các cụ trong Hội quy Phật T.P Thái Nguyên nấu nồi cháo đầu tiên và tự tay múc cháo cho người bệnh.
Mỗi bát cháo của nhà sư không chỉ làm ấm lòng những bệnh nhân nghèo, mà còn chứa đựng cả một sự giáo hóa đầy triết lý nhân sinh của tình yêu thương đồng loại, của đạo lý “lá lành đùm lá rách”. Vừa nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo, sư cô vừa tăng cường giáo hóa các đệ tử, phật tử và nhân dân phát tâm công đức tiền của để duy trì việc nấu cháo thường xuyên. Cũng nhờ đó mà trong suốt hơn 5 năm nay, sáng Chủ nhật nào tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng có những bát cháo chay nóng hổi phục vụ miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Đó là những nồi cháo do 10 thành viên trong Tổ cháo Liên Hoa, chùa Phù Liễn đảm nhiệm. Bà Lê Thị Đức, Tổ trưởng cho biết: Hầu hết các thành viên trong tổ đều đã cao tuổi nhưng ai cũng có lòng từ bi, yêu thương con người, khi tham gia làm công việc này, mọi người đều thấy lòng khoan thai, khỏe mạnh.
5 năm, bằng 240 ngày Chủ nhật, hôm trời đầy mưa cũng như buổi trời tạnh ráo, các cụ trong tổ cháo Liên Hoa đều có mặt tại Bệnh viện từ lúc 3 giờ sáng để khởi lò nấu cháo. Để có nồi cháo chay ngon và lành cho những bệnh nhân nghèo miệng đắng ngắt vì tiêm, uống thuốc kháng sinh ăn vừa miệng, từ sáng sớm ngày thứ Bảy, sau khi Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện báo số suất ăn, bà Đức nhúc nhắc đi chợ chọn mua gạo và các loại rau, củ, quả tươi (13 món). 15 giờ cùng ngày, các cụ bà kéo nhau đến, mỗi người 1 việc: Nhặt, rửa rau xanh, chế biến trước một số nguyên liệu và sớm hôm sau, lúc 3 giờ sáng các cụ bà có mặt để gầy bếp, rửa xong nồi, vo gạo nấu cháo, tíu tít bận rộn như… nhà có cỗ. Bà Đỗ Thị Tre, thành viên tổ cháo Liên Hoa cho biết: Ngày ít nhất có hơn 100 suất ăn, ngày nhiều có tới 180 suất ăn. Mỗi nồi cháo có trị giá 500.000 đồng, chưa kể tiền điện, nước, than, củi. Mỗi nồi chia ra được 50 suất ăn, có ngày chúng tôi nấu 4 nồi cháo phục vụ bệnh nhân nghèo. Theo chỉ dặn của sư cô Thích Đàm Tâm, Chủ nhật nào chúng tôi cũng nấu dư từ 20 đến 30 suất ăn để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo mới nhập viện, hoặc do chưa được Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện cấp phiếu ăn. Ngay như sáng Chủ nhật này (11-5), Khoa Dinh dưỡng báo có 120 suất ăn, nhưng chúng tôi đã cấp 150 suất ăn.
Khi tôi đang đứng nói chuyện cùng với các thành viên Tổ cháo Liên Hoa tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện, từ phía ngoài, một phụ nữ tay cầm chiếc bát nhựa bước vào. Chị đứng quan sát hồi lâu rồi bước đến bên nồi cháo, sau khi nhận phần cháo xong, chị đặt xuống bàn và nhẹ nhàng nói: Tôi xin được ủng hộ thêm cho nồi cháo của nhà chùa 200.000 đồng. Lân la hỏi chuyện tôi được biết, chị tên là Nguyễn Thị Ngoại, tổ 4, phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên, khi đến Bệnh viện chăm sóc mẹ ốm, cảm kích sự tận tụy của các cụ bà nên đã tự nguyện đóng góp. Bà Đức cho biết thêm, tiền mua gạo, rau, củ, quả nấu thành nồi cháo là do Hội quy phật ở các chùa: Phù Liễn, Y Na và Hương Sơn thiện nguyện. Ngoài ra chúng tôi còn đi cầu siêu, cầu an gom thêm tiền góp vào để nấu nồi cháo.
Vừa trò chuyện, bà Đức vừa mau mải múc cháo ra từng bát cho bệnh nhân. Tôi cảm nhận bên nồi cháo rất ấm áp tình nghĩa con người dường như có gì đó thân thiết như ruột thịt. Cũng bên nồi cháo, tôi chứng kiến các bệnh nhân cư xử với nhau từ tốn, dù biết nồi cháo đã rất vơi, song vẫn nhường nhịn nhau được nhận phần ăn trước. Chị Lê Thị Hằng, xóm Yên Ninh, xã Yên Ninh (Phú Lương) đi nhận phần cháo cho mẹ. Chị kể: Mẹ tôi là Nguyễn Thị Ân, 69 tuổi, bị hen phế quản, nhà nghèo, từ hôm trước được Bệnh viện phát cho phiếu ăn sáng miễn phí, bà xúc động lắm. Còn bà Lê Thị Nhật, xóm 11, xã Hà Thượng (Đại Từ) bị bệnh ung thư vú. Bên bát cháo chay, bà cho biết: Tôi bị bệnh lâu rồi, đã 4 lần về điều trị tại Bệnh viện, đây là lần đầu tôi được ăn cháo chay của nhà chùa, tôi thấy người nhẹ nhõm, cảm giác khoan khoái, mong rằng những bát cháo chay này sẽ góp phần giúp cho các bệnh nhân nghèo như tôi vững tin chữa trị và chóng khỏi bệnh.
Giống như một nhà ăn chuyên nghiệp, vì những “thực khách” có nhu cầu ăn tại chỗ được bưng bê, phục vụ tại bàn, chỉ khác ở chỗ nhà ăn không thu tiền, nhân viên chạy bàn là các cụ bà có độ tuổi ngoài bẩy mươi, như các cụ bà: Hoàng Thị Thái Hằng, Phùng Thị Ngọc Oanh và Dương Thị Sơn… (thành viên tổ cháo). Ai nấy xăm xắn, chu đáo phục vụ bệnh nhân từ cái bát, chiếc thìa, xởi lởi trò chuyện với mọi người về chế độ dinh dưỡng trong thời gian điều trị bệnh. Thực khách cuối cùng đến với tổ cháo trong bữa sáng của chủ nhật (11-5) là chị Phạm Thị Nhâm, xóm Hưng Thái, xã Văn Hán (Đồng Hỷ). Chị Nhâm bị bệnh phổi, người gầy gò, xương vai nhô cao, nói hổn hển như người bị hụt hơi nhưng đầy xúc động: Nhà tôi thuộc diện hộ cận nghèo nên cũng được Bệnh viện cấp cho phiếu ăn sáng miễn phí. Vâng! 1 bát cháo chay thôi, nhưng lòng tôi ấm áp vô cùng.
Ngồi bên bàn, chị Nhâm xúc từng thìa cháo, lặng lẽ ăn. Tôi biết, chị đang nhâm nhi cảm giác dịu dàng của tình người. Chị đã ăn hết bát cháo cho lại sức với mong muốn bệnh tình mau khỏi. Các cụ bà trong Tổ cháo Liên Hoa, sau khi lo xong bữa ăn sáng cho bệnh nhân nghèo đang mau mải dọn dẹp bếp núc, rửa bát đĩa, xoong nồi, lau sạch sẽ bàn, ghế… để sớm Chủ nhật tới lại có những bát cháo chay làm ấm lòng các bệnh nhân nghèo.