Đó là nhận xét của đồng nghiệp dành cho cô kỹ sư trẻ Hoàng Thị Thủy, công tác tại Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Thái Nguyên.
Sinh ra tại xã Thanh Xã, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, gia đình làm nghề nông, bởi thế Thủy rất thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả của nghề này. Ngay từ nhỏ, cô đã có ước mơ trở thành Kỹ sư nông nghiệp để giúp ích cho những người nông dân trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng.
Học xong lớp 12, Thuỷ đăng ký thi vào trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và đỗ vào Khoa Nông học. Sau 4 năm miệt mài đèn sách, ra trường Thủy được nhận làm việc tại Phòng Kiểm dịch Thực vật Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Thái Nguyên. Với công việc chính là Kiểm dịch viên động thực vật. Để nắm bắt kịp thời tình hình phát sinh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thủy luôn bố trí sắp xếp công việc hợp lý, vừa phân bổ thời gian đi kiểm tra, kiểm dịch thực vật, xông hơi khử trùng tại các kho nhập giống cây, vừa theo dõi tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng, và tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến dịch bệnh gửi cấp trên. Nhờ giám sát kỹ công tác kiểm dịch, Thủy cùng đồng nghiệp trong Phòng đã góp phần không nhỏ ngăn chặn phát sinh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Cô tâm sự: "Tôi là người tham công việc". Công việc chuyên môn đã nặng, tôi còn tham gia vào nhiều Dự án phát triển nông nghiệp. Điều mà tôi nhận thấy ở Thủy là con người thông minh, trách nhiệm với công việc. Cô luôn có những sáng kiến cải tiến trong công tác chuyên môn sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn khi được phân công nhiệm vụ chuyên trách công tác kiểm dịch tuyến huyện, Thủy nhận thấy cán bộ tại các Trạm Bảo vệ thực vật được tham gia các khóa tập huấn ít. Thủy đã chuyển toàn bộ văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm dịch thực vật và danh mục các đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và sâu mọt hại kho nông sản sau thu hoạch vào hòm thư điện tử, địa chỉ trang Web để cán bộ Trạm tiện tham khảo, cập nhập thông tin.Thủy còn lồng ghép công việc chuyên môn vào các lớp tập huấn giới, tập huấn ủ phân, tập huấn ứng phó với biến đổi khí hậu…
Khi tham gia giảng các chương trình kỹ thuật: Phòng trừ dịch hại, chương trình ba giảm ba tăng lồng ghép thâm canh lúa cải tiến...Thủy luôn tìm hiểu nội dung, tự tạo bài giảng trình chiếu cùng với tranh ảnh sưu tầm, băng đĩa để người dân dễ hiểu. Được biết, hiện nay Thủy đang tham gia nghiên cứu hai đề tài: "Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của một số giống bưởi đặc sản được trồng tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên’’ và đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học liên quan đến sinh sản hữu tính và ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng quả ở cây có múi tại Thái Nguyên”.
Với lòng say mê nghề nghiệp, Thủy luôn được đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn cũng như mức độ hoàn thành công việc. Ba năm (từ 2010-2013) Thủy liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2013 cô được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và cơ quan cử đi dự buổi gặp mặt các văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu do tỉnh tổ chức ngày 19-5 mới đây..