Hơn 20 năm về nghỉ hưu ở xóm 9, thị trấn Quân Chu (Đại Từ), hai vợ chồng ông Vũ Như Quý sinh sống nhờ vào 5,5 triệu đồng tiền chế độ. Cuộc sống tuy không dư dả, nhưng ông vẫn nhiệt tình chữa bệnh cứu người không lấy tiền; mỗi quý trích ra gần 1 triệu đồng mua báo tặng các chi hội ở xóm; nuôi lợn nhựa tiết kiệm để ủng hộ Hội Chữ đỏ thập đỏ xã…
Những việc làm thầm lặng của ông bà Quý đã và đang làm khiến nhiều người nể phục, quý trọng. Gần trọn một đời người, ông Quý sống không chỉ nghĩ cho riêng mình mà trái tim luôn rộng mở để yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ mọi người.
Lương tâm người thày thuốc không cho phép tôi thờ ơ…
Đó là lời chia sẻ của ông Vũ Như Quý khi chúng tôi thắc mắc, tại sao tuổi cao sức yếu, kinh tế không phải diện khá giả mà ông vẫn sẵn sàng lên đường khi người bệnh nhờ ông thăm khám. Chưa kể, có lần cấp cứu xong cho một bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo, người nhà mừng quá còn “quên” đưa ông về, khiến ông phải “cuốc bộ” gần 10 cây số về nhà giữa đêm vắng…
Với y đức trong sáng của người thày thuốc, ông Vũ Như Quý chưa bao giờ thờ ơ với người bệnh. Ông đến với họ không chỉ bằng lương tâm, trách nhiệm mà còn gửi gắm trong đó sự sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bằng cách chữa bệnh, phát thuốc không lấy tiền. Ông nói: “Khi đến, thấy hoàn cảnh họ nghèo khó, tội lắm! Mình có điều kiện hơn thì giúp họ.” Câu nói giản dị, mộc mạc như chính tấm lòng của ông - người thày thuốc chỉ lấy sức khỏe của bệnh nhân làm niềm vui, niềm hạnh phúc, chứ không màng đến danh lợi, tiền bạc. Chẳng thế, ông nói vui: Con đẻ thì chỉ có 3 đứa thôi, còn con nuôi thì không tính được. Bởi nhiều bệnh nhân sau khi được ông cứu sống đều xin nhận vợ chồng ông làm bố mẹ nuôi.
Anh Ngô Tú Bẩy (năm nay hơn 20 tuổi), ở xóm 7, xã Phúc Tân (Phổ Yên) là một minh chứng điển hình. Năm lên một tuổi, anh Bẩy bị ốm nặng, bệnh viện đã trả về để lo “hậu sự”. Biết tin, “còn nước còn tát”, ông Quý đã tận tình cứu chữa Bẩy bằng hết khả năng của mình, điều thần kỳ đã xảy ra sau một tháng chiến đấu với “tử thần”, Bẩy đã vượt qua được cơn hiểm nghèo. Cả gia đình Bẩy và vợ chồng ông Quý hết sức vui mừng. Sau lần đó, Bẩy trở thành con nuôi của ông bà Quý. Bẩy chuyển đến ở luôn với vợ chồng ông Quý 3-4 năm nữa để tiện chăm sóc sức khỏe. Nhắc lại kỷ niệm, anh Bẩy không khỏi xúc động: Tôi đã được bố mẹ Quý sinh ra lần thứ 2. Tôi coi bố mẹ Quý cũng như bố mẹ đẻ của tôi. Ngày lễ, Tết tôi thường đưa gia đình về thăm bố mẹ. Tôi cũng không biết nói gì hơn là cố gắng sống tốt, vươn lên trong cuộc sống để đền đáp công ơn của bố mẹ cũng như các bậc sinh thành.
Mong ước tuổi già
“Còn 3 năm nữa đã 90
Phục vụ cách mạng để nên người
Ban đầu gian khó lòng không nản
Để đến hôm nay lắm thứ vui…”
Đó là những câu thơ ông mới viết để bày tỏ nỗi niềm, tâm trạng trước những gì ông đã và đang làm, trước cuộc sống ông đang tận hưởng. Nhắc lại thời tuổi trẻ, mắt ông ánh lên niềm vui: Tháng 8 năm 1945 tôi tròn 18 tuổi, xung phong lên đường nhập ngũ, biên chế tại Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 120, Quân khu 5. Môi trường quân đội đã rèn luyện tôi cả về trí và lực, tôi đã được cử đi học để trở thành bác sĩ quân y. Sau này, tôi chuyển về làm bác sĩ ở Nông trường chè Quân Chu. Ở đó, tôi đã nên duyên với cô dược tá trẻ đẹp Nguyễn Thị Kim Linh. Nói đến đây, ông quay sang bà, đùa vui: Khi chú 18 cháu mới lên 3. Lúc anh gặp em mà em béo như bây giờ thì anh đã không yêu rồi!
Chúng tôi cùng cười vang. Bà Linh bảo: May mà lấy thì mới mang thuốc của tôi đi chữa bệnh không lấy tiền được chứ.
- Tôi còn lấy tiền của bà ấy đi mua báo để tặng các chi hội nữa đấy!
Tại sao ông lại mua báo mà không mua thứ khác? Tôi hỏi.
- Bởi vì sách, báo mở mang được tri thức. Các hội hoạt động mà không tiếp cận được thông tin thì làm sao nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; những cách làm kinh tế hiệu quả, những việc làm tốt… để tuyên truyền tới các hội viên, vận dụng vào các hoạt động thực tiễn. Mỗi quý, tôi đặt mua các loại báo: Quân đội, Nhân dân, báo Người cao tuổi, Nhân đạo để tặng cho Chi hội Người Cao tuổi, Chi hội Cựu chiến binh của xóm 3, xóm 9 và xóm Cơ khí công trình… Trung bình mỗi tháng hết khoảng 1 triệu đồng tiền mua báo. Mấy chục năm qua tôi có thói quen đọc báo, xem ti vi chỉ là một kênh, dù có nhanh nhạy thế nào cũng không có tính lưu giữ như báo in. Đọc được một bài báo hay, tôi có thể chuyền tay cho nhiều người khác cùng đọc, hoặc khi cần tư liệu nào đó có thể tìm và đọc lại.
Ông Đào Văn Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Quân Chu cho biết: Do không có kinh phí nên Hội chưa mua báo cấp phát cho các chi hội cơ sở được. Bởi vậy, hành động của ông Quý là vô cùng thiết thực. Mỗi năm, ông mua báo Cựu chiến binh cho một chi hội, năm ngoái cho Chi hội xóm 3, năm nay là Chi hội xóm 9. Mỗi khi sinh hoạt, các hội viên lại cùng nhau mang tờ báo ra đọc và nắm tình hình hoạt động của Hội trong khắp cả nước. Noi theo các tấm gương tiêu biểu trên báo, các hội viên cùng giúp đỡ nhau về vốn để phát triển kinh tế, xứng đáng là anh bộ đội cụ Hồ.
Việc mua báo biếu tặng đã được ông Quý duy trì 4 năm nay. Ngoài ra, ông còn nuôi lợn nhựa tiết kiệm, mỗi năm “mổ” một lần, toàn bộ số tiền tiết kiệm được ông đóng góp hết vào Quỹ Nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ thị trấn Quân Chu.
Đồng chí Trương Văn Ánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Quân Chu nhận xét: Gia đình ông Quý là gia đình mẫu mực, tích cực tham gia các chương trình từ thiện nhân đạo, được nhân dân quý trọng. Những việc làm của bác khiến chúng tôi rất xúc động. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông không bằng lòng an hưởng tuổi già mà vẫn nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Ông xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ học tập.