Nghị lực vươn lên làm giàu của một cựu chiến binh

14:15, 18/07/2014

Đến xã Cù Vân, huyện Đại Từ chúng tôi được các đồng chí trong Hội cựu chiến binh (CCB) xã nhắc nhiều đến anh Trần Văn Lập, một hội viên CCB giàu nghị lực, có chí vươn lên làm giàu. Hiện anh đang là chủ một doanh nghiệp vận tải và một cơ sở sản xuất gạch không nung.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, bề thế, anh Lập vui vẻ kể về quãng thời gian khi còn trong quân ngũ, cũng như những khó khăn, vất vả để anh có được thành quả như ngày hôm nay.

 

Sinh năm 1957 tại xóm 7, xã Cù Vân, tháng 5-1978 chàng thanh niên Trần Văn Lập lên đường nhập ngũ, đóng quân tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tháng 6-1982 anh Lập xuất ngũ trở về địa phương, đồng thời cũng trong năm đó anh xây dựng gia đình. Anh Lập kể: Khi mới ra ở riêng, bố mẹ tôi chia cho 4 sào ruộng, trong đó chỉ có 2 sào chủ động  được nước cấy 2 vụ lúa. Làm lụng vất vả quanh năm mà cũng chỉ đủ ăn, tôi xoay xở làm đủ nghề để kiếm thêm thu nhập như: Đi xẻ gỗ thuê, buôn nước mắm, cá giống, hoa quả…Có năm tôi lên tận Hà Giang mua cả đồi cam, đến vụ thuê xe lên chở quả về các chợ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên bán.

 

Trong thời gian đi buôn cá, anh Lập tìm hiểu thấy nghề nuôi cá giống đem lại lợi nhuận cao. Anh về bàn với vợ, chuyển 4 sào đất trồng lúa sang nuôi cá giống. Những năm đầu tiên nuôi do chưa có kinh nghiệm, có vụ anh thắng lớn nhưng cũng có vụ anh mất trắng. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong nghề nuôi cá giống là vào năm 1997 khi trận lũ lịch sử kéo về, mặc dù vợ chồng anh đã đắp bờ cao, canh chừng ruộng cá cả đêm nhưng nước chảy xiết xoáy mạnh vào bờ làm toàn bộ bờ bao của ruộng cá  vỡ tung trôi toàn bộ số cá giống chuẩn bị bán. Vợ chồng chán nản mất một thời gian, nhưng rồi sau đó lại tự an ủi nhau: “mình cứ chịu khó thì trời sẽ không thể phụ công mình mãi”. Và rồi, hai vợ chồng anh lại tối ngày be đắp lại bờ ruộng tiếp tục thả cá. Cũng nhờ lăn lộn với nghề nuôi cá giống nhiều năm mà anh Lập đã đúc rút ra kinh nghiệm quý báu. Anh nói: Nghề “gột” cá giống tuy vất vả nhưng nếu lấy giống sạch mầm bệnh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật sẽ thu lợi nhuận khá cao, vì kinh phí đầu tư thấp, mỗi đợt nuôi thời gian ngắn chỉ mất khoảng từ 15-20 ngày (đối với loại cá hương). Cũng nhờ vào tiền bán cá giống nhiều năm và tiền tiết kiệm được trong quá trình buôn bán, dần dà vợ chồng anh Lập đã mua được mảnh đất ra gần đường và chuyển toàn bộ gia đình ra ở tại tổ 14 xã Cù Vân (nơi ở của gia đình anh hiện nay). Cũng từ đây anh bỏ hẳn nghề làm nông nghiệp xoay sang làm gạch và kinh doanh buôn bán.

 

Anh tâm sự với chúng tôi: Năm 2006, vợ chồng tôi chỉ có vài chục triệu đồng trong tay nhưng đã mạnh dạn vay thêm ngân hàng hơn 100 triệu đồng về để mua xe tải. Ngoài chở gạch của gia đình đi bán, tôi nhận chở hàng, chủ yếu là chở nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng quanh vùng. Do luôn giữ chữ tín với khách hàng nên xe của tôi không mấy khi hết việc. Làm ăn kinh doanh có lãi đến đâu tôi lại gom tiền đầu tư mua thêm xe về chạy thuê.

 

Hiện nay anh Lập đã thành lập doanh nghiệp tư nhân với 10 đầu xe ( chủ yếu các đầu xe vận tải phục vụ công trình xây dựng), năm 2013 doanh thu của đơn vị đạt trên 10 tỷ đồng. Ngoài kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, anh Lập còn đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất gạch không nung, mỗi tháng sản xuất trên 4 vạn viên gạch. 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh của gia đình anh thường xuyên giải quyết công ăn việc làm cho từ 8-10 lao động tại địa phương, lương công nhân đạt trung bình từ 3,5 - 5 triệu đồng/ tháng. Ông Lưu Văn Hùng, Chủ tịch Hội CCB xã Cù Vân nhận xét: Anh Lập là một hội viên CCB nghị lực, biết vươn lên làm giàu chính đáng, là tấm gương sáng để các hội viên CCB khác học tập, noi theo.