Tâm huyết với hoạt động hiến máu nhân đạo

15:48, 13/07/2014

Từ năm 2012 đến nay, thông qua phong trào hiến máu nhân đạo (HMNĐ) huyện Phú Bình đã thu được 1.099 đơn vị máu. Hàng năm, lượng máu thu được ở huyện đều vượt cao so với chỉ tiêu được giao. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của chị Dương Thị Huệ, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện, Phó trưởng Ban chỉ đạo vận động HMNĐ huyện Phú Bình.

Năm 2009, toàn huyện Phú Bình có 350 người đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo, tuy nhiên đến năm 2010, 2011 số lượng này giảm xuống chỉ còn 200 người đăng ký mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng chính tham gia HMNĐ là thanh niên đã đi tham gia lao động ở các địa phương khác. Vì vậy, lượng máu thu được từ phong trào HMNĐ trong 2 năm này đạt thấp. Trước thực tế đó, ngay khi tham gia Ban chỉ đạo vận động HMNĐ vào năm 2012, chị Huệ đã cùng với các cán bộ khác trong Ban bàn bạc để tìm phương án, giải pháp đẩy mạnh phong trào HMNĐ. Chị nghĩ: Ở huyện có đến hơn 4.000 cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động (CNVCLĐ), chưa tính đến khoảng 3.000 công nhân thuộc các nhà máy đóng trên địa bàn. Đây là lực lượng có độ tuổi, sức khoẻ phù hợp nhưng hàng năm, chỉ có rất ít cán bộ, CNVCLĐ tham gia HMNĐ, chủ yếu chỉ tham gia do phải hoàn thành chỉ tiêu của cơ quan, đơn vị mình. Tại sao không mở rộng đối tượng HMNĐ tới nhóm người này?

 

Tuy nhiên, từ suy nghĩ đến hành động không phải là việc làm dễ dàng. Vì trong nhận thức của nhiều người, hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người hiến, có thể dẫn đến thiếu máu và nhiều nguy cơ sức khoẻ khác. Vì vậy, điều đầu tiên cần là thay đổi nhận thức cho người dân. Nói là làm, chị đã cùng với Ban chỉ đạo vận động HMNĐ huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền vận động về HMNĐ dưới nhiều hình thức: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị của cán bộ, CNVCLĐ; đưa các thông điệp về hiến máu tình nguyện vào nội dung sinh hoạt công đoàn, gắn phong trào HMNĐ với các phong trào thi đua của cán bộ, CNVCLĐ…

 

Bên cạnh đó, các cán bộ tuyên truyền còn đóng vai trò là người giải thích về mục đích của HMNĐ là để giúp những người gặp tai nạn rủi ro, người mắc bệnh về máu, bệnh nhân cần máu để phẫu thuật…vượt qua nguy hiểm. Ban chỉ đạo vận động HMNĐ  huyện cũng đã huy động những người đã tham gia HMNĐ trước đó giúp giải thích, chứng minh cho những người xung quanh rằng HMNĐ không những không có hại cho sức khoẻ của người hiến mà còn đem lại một số lợi ích nhất định. Qua đó nhận thức của cán bộ, CNVCLĐ và người dân về HMNĐ đã thay đổi.

 

Chị Lê Thị Thường, Chủ tịch MTTQ xã Lương Phú cho biết: Trước đó tôi rất sợ đi hiến máu vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích rõ về ý nghĩa của HMNĐ và việc làm này không hề gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nên năm 2012, tôi đã mạnh dạn tham gia hiến máu. Sau khi hiến máu, nhận thấy sức khoẻ của mình vẫn ổn định nên tôi đã tuyên truyền cho những người khác trong cơ quan để cùng tham gia HMNĐ. Từ năm 2012 đến nay, năm nào tôi cũng tham gia hiến máu.

 

Nhờ tích cực tuyên truyền, mở rộng đối tượng tham gia HMNĐ, chỉ tính riêng năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, phong trào HMNĐ ở huyện Phú Bình thu hút được 1.700 người đăng ký tham gia hiến máu, trong đó, có hơn 1.000 người là các cán bộ, CNVCLĐ đang công tác trên địa bàn.

 

Chị Huệ cho biết: Từ nay đến cuối năm 2014, Ban chỉ đạo vận động HMNĐ huyện sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội hiến máu nhân đạo đợt 2 năm 2014. Cùng với đó, chúng tôi dự định tổ chức riêng một ngày hội HMNĐ cho đối tượng là công nhân các nhà máy đóng trên địa bàn.

 

Với những việc đã làm được, tới đây, tại chương trình Hành trình đỏ tỉnh Thái Nguyên được tổ chức vào ngày 15-7 chị Huệ cùng với nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu khác trong tỉnh sẽ được tặng Tỉnh Hội Chữ thập đỏ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào HMNĐ năm 2013. Đó là ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của chị cho phong trào HMNĐ và cũng là động lực để chị tiếp tục vận động thêm nhiều người tham gia HMNĐ, góp phần đem những giọt máu quý giá đến với người bệnh.