Với phương châm “Để người dân tin phải làm cho dân thấy”, hơn 14 năm làm Trưởng xóm là ngần ấy năm ông Đặng Văn Phúc, ở xóm Na Chùa, xã Bá Xuyên (T.X Sông Công) luôn phát huy tinh thần gương mẫu.
Ông được người dân tin tưởng, yêu quý bởi sự nhiệt tình, tận tụy trong công việc tập thể, giúp người dân thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Chúng tôi đến nhà ông Phúc, đợi một lúc mới thấy ông tất tả đi từ ngoài vườn vào, hỏi ra mới biết ông đang cùng gia đình tranh thủ dỡ khoai tây để kịp đem xuất bán trong mấy ngày tới. Ông Phúc cho biết: Đây là giống khoai tây Atlantic mới được đưa vào trồng tại xã Bá Xuyên trong vụ đông 2014 vừa qua theo Dự án liên kết, người dân đã được phía Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Việt Nam) cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Mặc dù có điều kiện thuận lợi như vậy song do là giống cây mới nên không ít người dân trong xóm còn dè dặt không dám trồng vì sợ thất bại, còn tôi đã trồng thử nghiệm gần 2 sào. Đến nay, khi thu hoạch, sau khi trừ công, chi phí, 1 sào khoai tây sẽ cho thu lãi gần 1,5 triệu đồng, đợt tới tôi sẽ khuyến khích các hộ dân đưa giống cây này vào trồng. Là cán bộ, tôi nghĩ mình phải cùng tham gia sản xuất với người dân, có kiến thức thực tế thì mới có thể tư vấn, giải đáp thắc mắc cho họ.
Được biết, năm 2001, người dân trong xóm Na Chùa đã tín nhiệm bầu ông Phúc làm Trưởng xóm. Thời điểm đó, xóm có 47 hộ, trong đó có 38 hộ nghèo (chiếm 80%), đời sống các hộ dân phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, do vậy ông Phúc luôn trăn trở tìm hướng đi giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Mỗi khi địa phương có mô hình phát triển kinh tế với các cây, con giống mới, ông Phúc đều vận động người dân tham gia, đồng thời bản thân ông chủ động áp dụng. Khi thực hiện, ông đã dồn hết tâm sức, vừa học hỏi, trao đổi thông tin, vừa rút kinh nghiệm, nhờ đó mà mô hình nào ông cũng thành công, tạo được niềm tin, khuyến khích người dân mạnh dạn tham gia.
Đơn cử như năm 2008, xã Bá Xuyên triển khai mô hình trồng bí xanh số 1, khi đó mới chỉ có gia đình ông Phúc và 4 hộ dân khác đăng ký trồng với diện tích gần 1 mẫu. Do áp dụng đúng kỹ thuật cùng với những kinh nghiệm thực tế, ông Phúc trở thành người trồng bí giỏi nhất tại địa phương, với 9 sào bí sản lượng luôn đạt gần 2,5 tấn/sào. Bằng trách nhiệm và sự nhiệt tình, ông đã giúp đỡ nhiều hộ dân khác mở rộng diện tích và tăng năng suất. Đến nay, đã có 12 hộ gia đình trồng bí xanh với tổng diện tích 3ha. Chị Nguyễn Thị Viên, một trong những hộ trồng bí vui mừng nói: Khi trồng giống cây này, tôi băn khoăn vì chi phí ban đầu cho việc trồng, bắc giàn leo cũng khá tốn kém. Nhưng từ ươm giống đến thu hoạch, gặp vướng mắc gì, bác Phúc đều tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình. Do đó những năm qua, trên 3 sào, qua 2 vụ, với giá bán từ 4-6 nghìn đồng/kg đã cho thu lãi từ 18-24 triệu đồng, góp phần cải thiện kinh tế gia đình tôi.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng đã vận động người dân đưa giống lúa lai LC 212 dần thay thế giống lúa Khang dân; mở rộng diện tích và chuyển đổi giống chè, từ 2ha chè hạt (năm 2001) sang các giống chè cành, đến nay, tổng diện tích chè toàn xóm tăng lên 8ha (trong đó có 5ha chè cành); cùng với việc đẩy mạnh đưa máy móc vào sản xuất, năng suất, chất lượng nông sản ngày càng tăng lên, đời sống người dân dần được ổn định, nâng cao. Hiện, bình quân thu nhập trong xóm đạt 18 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chỉ còn 11/84 hộ, chiếm 13%.
Song song với việc giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế thì việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân cũng được ông Phúc quan tâm. Những ngày đầu, do chưa có Nhà văn hóa nên các cuộc họp xóm đều tổ chức vào buổi tối tại các hộ dân. Do địa điểm không cố định nên nhiều người thường bỏ họp, vì thế mà các chính sách, thông tin không thể truyền đạt sâu rộng. Để giải quyết vấn đề này, năm 2002, sau khi khảo sát, tìm được địa điểm, ông Phúc đã bỏ ra 1,5 triệu đồng để mua một mảnh đất rộng hơn 300m2 nằm ở giữa trung tâm xóm. 2 năm sau, ông cùng đại diện các tổ chức đoàn thể trong xóm đã huy động nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng Nhà văn hóa với tổng kinh phí 30 triệu đồng.
Ông Đồng Văn Bảy, người dân trong xóm chia sẻ: Lần đó, bác Phúc đã đến nhà thuyết phục tôi bán lại khu đất ruộng này để xóm xây Nhà văn hóa, vì là đất sản xuất nên tôi tiếc và phân vân, nhưng thấy bác Phúc nhiệt tình, lại còn tự bỏ ra số tiền tương đương gần 2 tạ thóc để lo việc xóm, đó là điều không phải ai cũng dám làm, vì vậy tôi và gia đình đã đồng ý. Nhờ có bác Phúc mà Na Chùa là xóm đầu tiên của xã xây dựng được Nhà văn hóa, người dân chúng tôi rất tự hào.
Ông Đặng Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên nhận xét: Bằng sự nhiệt tình, tận tụy, luôn hết mình vì công việc chung, Trưởng xóm Đặng Văn Phúc đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong xóm. Hiện nay, 4km đường liên xóm đã được cứng hóa (đạt 95%), Nhà văn hóa khang trang, đạt chuẩn nông thôn mới đã được hoàn thành trong năm 2014, xóm nhiều năm đạt xóm văn hóa. Năm 2012, Trưởng xóm Đặng Văn Phúc đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp Khuyến nông của tỉnh.