Với hơn 20 năm gắn bó với công việc làm y tế vùng cao, chị Triệu Thị Lưu đã có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân xã Thần Sa (Võ Nhai).
Những cán bộ Y tế bám bản như chị Lưu thực sự là tấm gương sáng trong ngành Y hiện nay bởi sự hy sinh, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc.
Chị Triệu Thị Lưu là người dân tộc Dao, sinh năm 1969, tại xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Thái Nguyên, năm 1993, chị về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Thần Sa. Hơn 20 năm công tác tại xã đặc biệt khó khăn Thần Sa cũng là từng ấy ngày tháng đầy kỷ niệm vui - buồn đối với chị. Trạm Y tế xã ngày ấy chỉ là căn nhà nhỏ với 3 phòng làm việc, thiết bị y tế vừa thiếu vừa lạc hậu, trong khi đa số đồng bào ở đây không chịu đi bệnh viện, mỗi khi có bệnh, hay tiêm chủng cho trẻ em, chị phải đi bộ đến từng xóm, bản, tuyên truyền, vận động vì giao thông thì khó khăn không đi được các phương tiện. Chị Lưu cho biết: “có lẽ khó khăn nhất đối với cán bộ y tế vùng cao là làm công tác dân số, bởi địa bàn xã có đến gần 100% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về việc sinh đẻ có kế hoạch còn hạn chế, giao thông lại không thuận lợi”. Vất vả là vậy, song dù phải vượt bao núi cao, chị vẫn đến tận nhà dân để vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch và ra trạm xá kiểm tra sức khỏe thai nhi định kỳ.
Gắn bó với công tác y tế nhiều năm qua, chị Lưu đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc vùng cao được bà con nhân dân tin yêu. Ông Hoàng Văn Dũng, xóm Kim Sơn, xã Thần Sa nhận xét: Chị Lưu rất nhiệt tình chăm sóc sức khỏe cho bà con chúng tôi, nhiều vấn đề chúng tôi không hiểu, chị nhiệt tình giải thích, hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con.
Ông Lý Văn Quý, Trạm trưởng Trạm Y tế Thần Sa cho biết: Ở những nơi mà đối với người dân, để lo bữa ăn đầy đủ còn khó thì việc chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình dường như lại càng xa vời. Không chỉ thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị, mà khó khăn của y tế vùng cao còn là ở nhận thức và chất lượng sức khỏe của người dân cũng thấp hơn. Trong khi đó, việc đi lại giữa các thôn, bản gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí của bà con còn hạn chế... Là người địa phương, chị Lưu càng thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn của đồng bào nơi đây. Nghĩ đi đôi với làm, chị cùng anh chị em trong Trạm tăng cường xuống các thôn, bản gặp gỡ bà con, tìm hiểu hoàn cảnh của nhiều gia đình và tình hình bệnh lý của không ít người dân trong xã. Từ đó, đồng bào dần hiểu tấm lòng của các cán bộ y tế và làm theo những lời khuyên để bảo vệ sức khoẻ.
Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai cho biết: Chúng tôi có nhiều tấm gương các y, bác sĩ vùng cao nhiệt tình, tâm huyết, không ngại khó, ngại khổ, trong đó có chị Triệu Thị Lưu, nhiều năm công tác, gắn bó với bà con dân tộc thiểu số. Chúng tôi thường xuyên động viên, khen thưởng kịp thời, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ y bác sĩ vùng cao đã vượt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ...