5 năm gắn bó với môn đua thuyền Canoeing, cô gái quê lúa Phú Bình Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 1993), vận động viên của Trung tâm Thể dục thể thao Thái Nguyên đã đoạt 38 Huy chương Vàng; 22 Huy chương Bạc, Đồng tại các giải thể thao đua thuyền trẻ toàn quốc và quốc tế. Vậy nhưng điều đó vẫn chưa làm cô gái Vàng của làng thể thao đua thuyền Việt Nam hài lòng.
Tháng 7-2010, đúng 1 năm kể từ khi gắn bó với môn đua thuyền Canoeing, lần đầu tiên Ngân tham dự giải trẻ đua thuyền toàn quốc tại Đà Nẵng và “ẵm” luôn 6 Huy chương Vàng ở nội dung thi đấu đơn và đôi tại 3 cự ly: 200m, 500m và 1000m. Thành tích đáng nể của gương mặt mới, trẻ đã giúp Thái Nguyên năm đó được xếp thứ 2 toàn quốc ở bộ môn này. Còn Ngân, tạo được sự ngạc nhiên, bất ngờ của các huấn luyện viên Việt Nam và biệt danh “Thần đồng đua thuyền” đã gắn với em từ đó. Với những thành tích xuất sắc trong giải đấu quốc gia này, Ngân được phong tặng kiện tướng trẻ năm 2011 khi vừa bước sang tuổi 18.
Trước mặt tôi là cô gái cao ráo, thân hình rắn rỏi và đôi mắt biết cười. Ngân kể về cái duyên đưa em đến với bộ môn thể thao thú vị này. Năm 2009, khi em đang học lớp 10 tại Trường THPT Phú Bình, cô Dương Thị Mai, huấn luyện viên môn đua thuyền Trung Tâm Thể dục thể thao tỉnh về tuyển sinh vận động viên. Ngân được cô giới thiệu, đua thuyền Canoeing là môn thể thao giành huy chương và thứ hạng cao của thể thao Việt Nam tại các giải thi đấu lớn cũng như khu vực. Lúc đó, Ngân đã nhen nhóm ước mơ mình sẽ trở thành vận động viên môn thể thao này. Sau khi đăng ký và vượt qua nhiều lần kiểm tra, Ngân được tuyển chọn và cùng với cô Dương Thị Mai “khăn gói quả mướp” xuống Hồ Tây, Hà Nội tập luyện.
Ban đầu tập bơi và động tác kỹ thuật trên cạn sau đó Ngân làm quen với thuyền dưới nước. Mới đi, em tập thuyền vòng thúng vì tay chưa khỏe và khéo để bẻ được mái chèo, cho đến khi kỹ thuật ổn định thì vòng thúng nhỏ sẽ to dần ra và đi thẳng. Mỗi buổi tập phải dậy sớm và trong nhiều giờ duy trì tư thế nửa quỳ nửa đứng dưới nước để giữ thăng bằng thuyền, em bị ngã xuống nước hàng trăm lần, ngày hè còn đỡ chứ mùa đông thì lạnh tê tái. Vất vả là vậy nhưng không làm nhụt chí cô gái đam mê thể thao có ý chí tuyệt vời này. Sau 3 tháng kiên trì khổ luyện, Ngân đã điều khiển được chiếc thuyền bơi đúng kỹ thuật.
Điều đáng nói là trong quá trình tập luyện, Ngân và cô Mai đã sáng tạo ra mái chèo bằng gỗ giúp các vận động viên mới làm quen với chèo dễ hơn. Vậy là Ngân và cô Mai mất nhiều ngày đi tìm gỗ dổi nhẹ, mượn cưa, bào để làm ra mái chèo. Hỏng mất 3 chiếc (mỗi chiếc là 500 nghìn đồng), sau 1 tuần họ làm thành công 2 mái chèo hình chữ T hoa. Chèo gỗ nặng gấp 3 lần chèo chuyên dụng nhưng với vận động viên mới sử dụng có nhiều ưu điểm (ngoài giá trị kinh tế), vì tập chậm được kỹ thuật, đồng thời giúp rèn luyện thể lực và tăng sức bền trước khi chuyển sang dùng chèo chuyên dụng với cường độ cao. Sau giải đấu toàn quốc ở Đà Nẵng, các đoàn như Vĩnh Phúc, Hải Dương đã học hỏi kinh nghiệm và xin ý tưởng để làm theo. Hiện, đoàn vận động viên đua thuyền của Thái Nguyên vẫn đang sử dụng 2 mái chèo gỗ này để rèn thể lực trong quá trình tập luyện kết hợp với bài tập mái chèo chuyên dụng.
Dù đạt được thành tích xuất sắc trong giải đấu trẻ toàn quốc môn đua thuyền năm 2010, Nguyễn Thị Ngân đã không ngừng tập luyện và có thành tích cao hơn ở những giải đấu sau. Thành công nhất của Ngân là năm 2013, tham gia giải vô địch Quốc gia môn đua thuyền với 9 nội dung thi đấu, Ngân giành được 8 Huy chương Vàng. Em được lựa chọn là vận động viên chính duy nhất đại diện cho đoàn Việt Nam thi đấu trong giải Cúp đua thuyền Canoeing thế giới tại Pháp trong năm này. Ngân đã mang về 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng ở 3 cự ly thi đấu đơn, đôi và bơi maratong ở cự ly 3.000m cho đoàn Việt Nam.
Nhận xét về vận động viên Nguyễn Thị Ngân, cô Dương Thị Mai, huấn luyện viên trưởng môn đua thuyền Thái Nguyên thể hiện sự hài lòng: Ngân đã chăm chỉ tập luyện với ý thức cao, hết mình với từng bài tập và trưởng thành, nhanh nhất trong các vận động viên môn đua thuyền mà tôi đã huấn luyện đến nay
Ngân là một trong những vận động viên sáng giá có thành tích tốt nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại ở bộ môn đua thuyền và kỳ vọng thời gian tới, thành tích của Ngân sẽ vươn xa hơn nữa ở các giải đấu quốc tế.
Là con thứ hai trong gia đình nông dân có 3 chị em ở xóm Đồng Vĩ, xã Bàn Đạt (Phú Bình), Ngân là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Hiện, vừa tập luyện cùng các vận động viên đua thuyền của Trung tâm Thể dục thể thao Thái Nguyên tại Hồ Tây, Ngân vừa theo học năm thứ ba Lớp Bơi, Khoa Huấn luyện tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh). Lịch học và tập luyện kín mít với Ngân: Sáng, dậy từ 4 giờ tập bơi thuyền; 7 giờ đi xe máy 30km sang trường; 17 giờ lại có mặt tại Hồ Tây tập giáo án. Vất vả nhưng từng ngày, từng giờ, Ngân đều cho mọi người thấy mình đang nỗ lực, nỗ lực không ngừng để có thể đạt được những kết quả tốt hơn trong tương lai.
Trước khi chia tay, chúng tôi Ngân tâm sự: Em mong môn thể thao đua thuyền Canoeing tỉnh mình phát triển mạnh hơn, được nhiều người Thái Nguyên biết đến, đặc biệt là các bạn trẻ. Những vận động viên chúng em cũng rất mong tỉnh sẽ thành lập Trung tâm đua thuyền Canoeing tại hồ Núi Cốc và tạo điều kiện về thủ tục cũng như cấp kinh phí để chúng em có cơ hội thử sức nhiều hơn ở các giải đấu trong khu vực và quốc tế…