Trang trại thỏ quy mô với 240 chuồng, 200 thỏ bố mẹ, 2 dãy chuồng thỏ thịt, hơn 2.000 gốc đinh lăng sắp đến kì thu hoạch, có gần 1.000m2 cây cảnh... Là mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng của gia đình anh Đỗ Quốc Bình, sinh năm 1970, Tổ trưởng tổ dân phố 2 - khối Tân Sơn, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công. Anh Bình đã nỗ lực gây dựng bằng sự cần cù, sáng tạo.
Trong căn nhà 3 gian ấm cúng, anh Bình kể cho chúng tôi nghe về quá trình khởi nghiệp đầy vất vả của mình. Nhà tôi chỉ có 2 mẹ con nên ngay từ nhỏ, tôi đã sớm dần hình thành ý thức tự lập. Năm 1991, tốt nghiệp Trường Trung cấp Luyện Kim Thái Nguyên, không tìm được việc làm theo đúng ngành nghề đã đào tạo, gác lại ước mơ, không để lãng phí thời gian chờ đợi làm công nhân trong nhà máy, xí nghiệp, tôi đã không nề hà khi ra thành phố, làm đủ mọi việc, từ phụ xây, rửa xe, photocoppy đến làm nghề tân trang đồ nhựa xe máy... Những năm bươn trải tích cóp được một khoản tiền, năm 1995, tôi đã xây được căn nhà 3 gian này. Đến năm 2009, sau khi lấy vợ, xác định làm thuê không thể lo cho vợ con có cuộc sống ổn định nên tôi quyết định trở về quê tìm hướng phát triển kinh tế.
Trên diện tích gần 4.000m2 đất vườn đồi của gia đình, anh Bình đã mạnh dạn cải tạo, đào ao thả cá, trồng các loại cây như gừng, đinh lăng, cây cảnh, cùng với đó là xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Trong gần 4 năm, anh Bình đã nhiều lần chuyển đổi hướng chăn nuôi và con giống, từ nuôi gà sạch, gà đẻ trứng đến nuôi chim bồ câu, vịt... là bởi vì những mô hình này vẫn chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao như anh mong đợi. Đầu năm 2014, anh Bình được một người bạn giới thiệu về mô hình nuôi thỏ, sau khi lắng nghe, tìm hiểu kỹ và thấy được lợi ích kinh tế, anh Bình không ngần ngại quyết định dừng ngay việc nuôi chim bồ câu, dồn tâm sức để nuôi loài vật mới này.
Anh Bình cho biết: Thỏ là loài không hề dễ nuôi, cần có chế độ chăm sóc đặc biệt nên tôi đã đi hơn 30 trang trại nuôi thỏ ở các tỉnh thành phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm, ở mỗi nơi tôi đều quan sát, tìm hiểu cách chăm sóc, xây dựng chuồng trại để thỏ có môi trường sinh trưởng tốt. Tháng 3 năm 2014, tôi bắt 20 con thỏ bố mẹ đầu tiên về nuôi, sau 4 tháng, thỏ sinh sản kém, tôi phải bán với giá thỏ thịt và lỗ 5 triệu đồng. Vì thỏ giống khi nhập đã già nên hiệu quả sinh sản thấp, từ đó tôi đã rút ra kinh nghiệm, trong chăn nuôi, không chỉ chú trọng kỹ năng chăm sóc, xây dựng hệ thống chuồng trại đạt chuẩn mà cần phải đặc biệt lưu tâm đến việc chọn giống ngay từ đầu.
Với những kinh nghiệm thực tế mà anh có được, trong hơn 1 năm qua, đàn thỏ của anh Bình phát triển sinh trưởng tốt, không mắc dịch bệnh. Đầu năm 2015, anh Bình đã đầu tư hơn 400 triệu đồng, mở rộng nhà trại với diện tích 250m2 và nuôi hơn 200 con bố mẹ. Giống thỏ mà anh lựa chọn là thỏ Newzealand (Niu-di-lân), mỗi năm thỏ mẹ đẻ 7-8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 8-10 con. Sau khi sinh khoảng gần 3 tháng, thỏ đạt trọng lượng 2,5kg-3kg và có khả năng sinh sản. Trung bình với giá thỏ thịt là 70-80 nghìn đồng/kg; thỏ giống là 100-150 nghìn/kg, giá trị kinh tế từ thỏ đem lại cao hơn so với những vật nuôi khác. Được biết, 1 con thỏ mẹ có thể mang lại lợi nhuận từ 1,2-2 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí chăm sóc. Cùng với việc để tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, anh Bình còn trồng hơn 400 gốc chuối, 1 sào cỏ voi để làm nguồn thức ăn xanh cho thỏ. Theo ước tính, với mô hình này sẽ đem lại cho gia đình anh Bình thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, anh Bình còn được biết đến là người gương mẫu, hết mình vì công việc chung của tập thể, địa phương. Năm 2004, khi tổ có chủ trương xây dựng Nhà văn hóa, anh Bình đã tự nguyện hiến 430m2 đất trồng rau của gia đình. Ngoài ra, anh còn tích cực vận động mọi người tham gia vào các phong trào chung của tổ, đơn cử như việc vận động thành lập mô hình Liên hiệp đoàn thanh niên. Năm 2008, tổ chỉ có trên 40 hộ dân, hầu hết đều là cán bộ nghỉ hưu, số lượng đoàn viên, thanh niên chỉ có hơn chục người. Để tập hợp thanh niên phát huy vai trò xung kích trong các hoạt động của địa phương là rất khó, do vậy anh Bình đã vận động anh em trong tổ có độ tuổi từ 16 đến 40 tham gia sinh hoạt Đoàn (khi đó anh Bình 38 tuổi). Đến nay, Chi đoàn vẫn duy trì hoạt động, sẵn sàng tham gia vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, vệ sinh môi trường hay giúp đỡ các hộ gia đình trong việc hiếu, hỷ. Không chỉ nhiệt tình với công tác của địa phương mà khi tham gia sinh hoạt, giao lưu với những người nuôi thỏ tại các huyện thị trong tỉnh, anh Bình đã vận động họ cùng thành lập nên Hội Chăn nuôi thỏ Thái Nguyên với 30 hội viên, ra mắt ngày 15-7 vừa qua. Nói về hoạt động này, anh Bình chia sẻ: “Tôi cũng như bao người nuôi thỏ khác, mong muốn khi Hội được thành lập sẽ tạo được môi trường tốt để thúc đẩy quy mô chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các hội viên, phát triển chăn nuôi thỏ theo hướng bền vững...”
Nhận xét về anh Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch UBND phường Lương Sơn, ông Lê Cảnh Vinh nói: Không chỉ tâm huyết, nhiệt tình trong các phong trào chung của địa phương, đồng chí Bình còn phát huy vai trò gương mẫu, mạnh dạn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, là một trong những người đầu tiên của phường đưa giống thỏ vào chăn nuôi. Hy vọng rằng, nghề nuôi thỏ sẽ phát triển mạnh và trở thành hướng đi mới, làm giàu của người dân trong phường.