“Người làm nghề giúp đỡ mọi người”

08:28, 16/09/2015

Dù sức khỏe yếu, gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng ông Nguyễn Đức Thuận, xóm Tân Hòa, xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên) vẫn hết sức, hết lòng giúp đỡ những người xung quanh. Với ông, sống là cho đi và ông sẽ cho đến khi nào còn có thể…

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đức Thuận vào buổi chiều tà nắng nhạt, khi ông đang đi đón các cháu nhỏ quanh xóm đi học về. Phải chờ gần 1 tiếng đồng hồ, sau 3 chuyến đi đón trẻ ông mới có thể ngồi lại trò chuyện với chúng tôi. Dựng vội chiếc xe máy cà tàng nơi góc sân rồi quệt ngang dòng mồ hôi đang tuôn lã chã, ông dẫn các cháu vào nhà và cười bảo: Chuyến cuối trong ngày đây, hôm nay bố mẹ các cháu về muộn nên 3 cháu ở lại nhà luôn với ông. Nói rồi ông cất cặp sách cho các cháu, vừa đưa tay phẩy nhẹ chiếc quạt nan quanh lũ trẻ để xua đi cái oi bức của ngày trở trời. Ông giới thiệu: Các cháu đều là hàng xóm của tôi, bố mẹ chúng bận công việc nên đã 2 năm nay, tôi thay đưa đón các cháu đi học. Có 6 cháu ở quanh xóm, cộng với 2 cháu nội của ông cả thảy là 8, trong đó 2 cháu đang học lớp 1, còn lại đều học mẫu giáo. Trường học mãi tận trung tâm xã, cách nhà ông khoảng 3km. Trung bình mỗi ngày, ông phải đi 12 lượt, sáng 6 lượt, trưa 2 lượt, chiều 6 lượt, tổng cộng hơn 40km.

 

Sinh năm 1953, nhưng do căn bệnh thoái hóa cột sống hành hạ đã nhiều năm nay, lại thêm bệnh huyết áp cao nên nhìn ông Thuận già hơn nhiều so với tuổi. Những hôm trái gió, lưng ông lại đau gập xuống. Có lẽ sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Vạn Phái, cả cuộc đời ông chỉ quẩn quanh gắn bó với đồng ruộng, ít được giao lưu với bên ngoài nên con người ông toát lên vẻ chân chất, mộc mạc của một nông phu vùng núi. Vài năm nay, các con ông đã ra ở riêng, nhà chỉ còn 2 ông bà, bản thân ông thì sức khỏe yếu, không làm được việc gì nặng, vợ ông cũng đau ốm luôn nên đồng ruộng làm ít, bỏ nhiều. Gia đình ông có 4 sào ruộng và vạt chè cằn, ông bà chỉ làm được 1 sào ruộng và chăm sóc thêm diện tích chè, còn lại cho con cháu canh tác. Thế nên, cuộc sống hai ông bà cũng phải chắt chiu đồng rau, đồng mắm.

 

Ấy thế nhưng, ông lại chẳng nề hà giúp đỡ một ai khi mọi người cần. Việc đưa đón lũ trẻ đi học ông cũng tình nguyện làm mà không đòi hỏi thù lao, chẳng kể ngày nắng, ngày mưa. Ban đầu chỉ là thấy bố mẹ các cháu bận bịu với công việc, các cháu không có người đưa đi nên thỉnh thoảng ông giúp, rồi dần dần ông đảm đương luôn. Ngày nào cũng vậy, ông dậy từ 5 giờ sáng, đi đón từng cháu rồi đưa đến lớp. Để đảm bảo thời gian học tập của bọn trẻ, cháu lớp 1 ông đưa trước, rồi quay về đón các cháu học mẫu giáo. Ông cho biết: Các cháu cũng như cháu mình, bố mẹ các cháu đều đi làm công nhân nên thời gian eo hẹp, làm việc ca kíp, mình rảnh rỗi nên hỗ trợ thêm để bố mẹ các cháu đỡ vất vả, đồng thời các cháu cũng được đến lớp đúng giờ. “Trẻ em như búp trên cành”, nên các cháu phải được chăm sóc chu đáo việc ăn, việc ngủ, việc học hành thì các cháu mới có thể phát triển tốt và học tập tốt, có học tập tốt, các cháu mới có tương lai tốt.

 

Anh Đặng Văn Đàm cho biết: Cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân ở Công ty điện tử Sam Sung, nhà xa nên chúng tôi thường phải đi từ 6 giờ sáng đến tối mịt mới về, nên không thể đưa đón con đi học đúng giờ, may nhờ có ông Thuận giúp đỡ, chúng tôi mới yên tâm công tác. Những hôm tăng ca, chúng tôi còn gửi cháu ở nhà ông chăm sóc luôn. Các cháu rất quý ông, chúng đều coi ông như ông nội.

 

Không chỉ giúp đỡ những người xung quanh lúc khó khăn, mỗi khi ở địa phương triển khai việc gì, ông Thuận cũng đều đầu tầu gương mẫu thực hiện, là tấm gương cho mọi người noi theo. Đơn cử như năm 2014, xóm triển khai mở rộng và trải bê tông tuyến đường từ trục chính của xóm nối với cụm dân cư Cầu Con. Con đường vào cụm dân cư cắt qua cánh đồng trước đây chỉ rộng 1,5m, lầy lội, đi lại rất khó khăn, ô tô không vào được. Nhằm tạo điều kiện cho khoảng 10 hộ dân ở cụm dân cư đi lại thuận tiện, xóm đã triển khai làm tuyến đường này. Với tổng chiều dài trên 200m, kinh phí xây dựng khoảng 50 triệu đồng, trong đó Dự án Phát triển cộng đồng hỗ trợ 10 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Mặc dù là hộ cận nghèo nhưng gia đình ông Thuận là một trong những hộ đi đầu đóng góp kinh phí làm đường, đồng thời ông còn hiến khoảng 10m2 đất phục vụ mở rộng đường, không những thế ông cũng tham gia vận động bà con để người dân hiểu rõ lợi ích của việc đường, từ đó nhiệt tình ủng hộ.

 

Bà Nguyễn Thị Đường, Trưởng xóm cho biết: Tân Hòa là một xóm nghèo, toàn xóm có 83 hộ thì 11 hộ thuộc diện nghèo, 25 hộ cận nghèo, vì thế việc vận động kinh phí để làm đường không dễ. Phải khẳng định rằng, việc vận động kinh phí xây dựng đường ở đây một phần nhờ vào tinh thần hy sinh cái lợi trước mắt vì cái lợi lâu dài, hy sinh lợi ích của bản thân để được cái lợi cho tập thể, cho xã hội của một số người như ông Thuận. Hoàn cảnh khó khăn như ông còn nhiệt tình đóng góp tiền của để làm đường thì không cớ gì những hộ khá giả hơn không chung tay vì cái lợi chung và lâu dài này. Chính những tấm gương như ông đã tạo nên phong trào trong cộng đồng dân cư, chỉ trong vòng 1 tháng triển khai, bà con ở đây đã đồng lòng đóng góp 40 triệu đồng và hiến trên 200m2 đất để làm đường. Đường vào Cầu Con hôm nay rộng rãi, sạch sẽ, người, xe đi lại thuận tiện, kết quả này có công lao không nhỏ của ông Nguyễn Đức Thuận.

 

Hình ảnh ông Thuận đưa đón, chăm sóc trẻ em trong xóm đã quá đỗi quen thuộc với người dân Tân Hòa, không kể nắng mưa, người dân ở đây đều thấy hình ảnh ông đi về trên chiếc xe máy cũ rích, trên xe là đám trẻ con với lủng liểng cặp sách, ba lô. Mỗi khi có ai hỏi về ông, mọi người hay gọi ông bằng biệt danh trìu mến: “Người làm nghề giúp đỡ mọi người”.