Người mẹ của những học sinh dân tộc thiểu số

10:00, 26/10/2015

“Cô như là người mẹ của chúng em”. Những học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ đã nói như vậy khi chúng tôi hỏi về cô giáo Triệu Thị Mai Dung, Hiệu trưởng Nhà trường. Đối với các em, cô không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là người mẹ chăm lo cái ăn, giấc ngủ, bảo ban điều hay, lẽ phải trong cuộc sống.

Tôi từng biết đến cô giáo Triệu Thị Mai Dung qua lời tâm sự của một người phụ nữ khiếm thị, đơn thân ở thị trấn Hùng Sơn trong một chuyến đi cơ sở dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Khi đó, người phụ nữ khiếm thị ấy được Hội Chữ thập đỏ huyện, các tổ chức đoàn thể, hàng xóm, gia đình ủng hộ xây Nhà tình nghĩa. Trong ngôi nhà mới, chị kể cho chúng tôi về việc cô giáo Dung cùng các cháu học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ (gọi tắt là Trường Dân tộc nội trú Đại Từ) thường xuyên đến thăm. Các cháu dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau, tíu tít trò chuyện khiến chị rất hạnh phúc.

Gặp cô Dung, tôi kể lại kỷ niệm đó, cô mỉm cười bảo: “Chị ấy tên là Lê Thị Lan, ở xóm 10, thị trấn Hùng Sơn. Chị Lan bị khiếm thị từ nhỏ, lại không chồng, không con, cuộc sống đơn độc, vất vả nên tôi đã xin ý kiến Ban Giám hiệu nhận quan tâm, chăm sóc chị từ cuối năm 2013. Hằng tháng, Trường thường tổ chức cho một nhóm học sinh đến thăm, giúp đỡ, trò chuyện để chị vơi bớt nỗi buồn”. Chị Dung kể chuyện giọng ấm áp, biểu cảm, tạo ấn tượng trong tôi về một phụ nữ dịu dàng, phúc hậu.

Hướng ánh mắt ra sân trường, câu chuyện của chúng tôi chuyển sang chủ đề khác. Qua câu chuyện của cô giáo Triệu Thị Mai Dung, chúng tôi mới hiểu những khó khăn, vất vả của những người giáo viên trường nội trú. Cô giáo Dung về làm Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú Đại Từ vào tháng 7 năm 2011. Khi đó, Trường chưa xây dựng hoàn thiện, vất vả nhưng cô Dung không nản lòng mà nỗ lực cùng các thầy cô, giáo trong Trường tổ chức dạy và học để đạt hiệu quả cao nhất. Để quan tâm hơn đến tâm lý học sinh, cô Dung cũng đã thành lập và trực tiếp làm Trưởng Ban Tư vấn tâm lý học đường, thường xuyên trao đổi, chia sẻ với các em học sinh. Cô Dung kể: Các cháu ở Trường thiếu thốn tình cảm của bố mẹ nên yêu thương và coi thầy, cô như bố, mẹ. Các thầy, cô cũng gần gũi coi học trò như con. Cũng từ sự gần gũi mà các em hay tâm sự với thầy, cô cả những chuyện thầm kín, mà không nói với bố mẹ.

Bao nhiêu năm làm giáo viên, cô Dung chỉ tâm niệm một điều là làm sao mang được kiến thức, tình yêu thường đến với học sinh. Cô nhớ từng hoàn cảnh gia đình, từng nỗi khó khăn của học sinh. Cô tâm sự: “Các em học sinh dân tộc nội trú đến từ các xã đặc biệt khó khăn của huyện, mỗi em một hoàn cảnh nhưng phần lớn các em xuất thân trong gia đình khó khăn. Khi vào học Trường nội trú, các em lại xa gia đình, người thân nên tôi và các thầy, cô trong Trường lúc nào cũng xác định phải mang đến cho các em môi trường học tập toàn diện. Các thầy, cô giáo trong Trường xác định làm việc không có giờ hành chính, thứ Bảy, chủ nhật đều thay phiên nhau trực, quán xuyến hoạt động tại Trường. Có những hôm nửa đêm, các em học sinh đau bụng, sức khoẻ kém, các thầy, cô giáo ngay lập tức lại có mặt, động viên, đưa các em đi bệnh viện kịp thời”. Khi được chúng tôi hỏi, các em học sinh Trường Dân tộc nội trú đều nói “Cô Dung rất hiền, thường trò chuyện, quan tâm đến chúng em. Cô như người mẹ của chúng em”.

Quá trình công tác của cô Dung bắt đầu năm 1992, khi cô tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (Nay là Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên), cô về làm giáo viên Trường THPT Đại Từ. Năm 2006, cô chuyển sang công tác tại Trường THPT Lưu Nhân Chú. Năm 2009, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Nhân Chú và đến tháng 7-2011, cô nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ. Nói về quá trình công tác, cô bảo: “Tôi chưa làm được gì nhiều”. Tuy nhiên, được xem các Giấy khen, Bằng khen của cô, chúng tôi biết cô có đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục của huyện miền núi Đại Từ. Danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc 2 năm liên tiếp của Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Đại Từ do Chủ tịch UBND tỉnh khen tặng đã phần nào ghi nhận những đóng góp của cô. Ông Trần Đăng Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ cho biết: Sau gần 20 năm công tác, cùng đồng chí Triệu Thị Mai Dung, tôi nhận thấy đồng chí là một nhà giáo có bầu nhiệt huyết với nghề nghiệp, vững vàng về chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong quản lý nhà trường, trách nhiệm trong giáo dục học sinh, có uy tín trong đội ngũ nhà giáo và được các thế hệ học trò tin yêu, kính trọng.