Người tổ trưởng dân phố nhiệt tình, trách nhiệm

10:30, 23/10/2015

Anh Ngô Thành Trung, Chủ tịch UBND phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) nhận xét: Ông Nguyễn Tiến Sỹ là một Tổ trưởng dân phố người Sán Dìu có uy tín, năng lực, trách nhiệm với công việc. Tổ 16 luôn là niềm tự hào của phường - đơn vị đứng tốp đầu trong các phong trào thi đua. Kết quả ấy, có sự đóng góp không nhỏ của Tổ trưởng dân phố Nguyễn Tiến Sỹ.

Tiên phong trong mọi phong trào

 

Lúc chúng tôi đến nhà, ông Sỹ đang lúi húi chăm sóc cà chua trong vườn. Người đàn ông dáng gầy, khuôn mặt sạm đem vì nắng gió nói: Con cái lớn, xây dựng gia đình và đi học xa cả, nhà giờ chỉ còn hai vợ chồng tôi, ngoài làm 6 sào lúa còn thêm mấy sào mầu nên chả có lúc nào rỗi. Không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ dân trong tổ đã thực hiện việc chuyên canh rau màu cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Tổ 16 có hơn 100 hộ, trên 96% là người dân tộc Sán Dìu, chỉ có 4 hộ phi nông nghiệp, còn lại bà con sống bằng nghề nông. 5 năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn đưa các giống lúa lai vào gieo cấy và hình thành vùng chuyên canh rau màu, bà con đã làm tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác. Nguồn thu từ trồng rau màu giúp các hộ có kinh tế khá, nhiều hộ đã thoát nghèo như gia đình chị Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Tư. Hiện, trong tổ chỉ còn 2 hộ nghèo (giảm 12 hộ so với năm 2010), không có hộ cận nghèo.

 

Có được kết quả như hiện nay không phải là chuyện ngày một ngày hai. Ông Sỹ nhớ lại năm 2000, Đảng ủy phường đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo công tác nông nghiệp, trong đó có nội dung mở rộng diện tích lúa lai và hình thành vùng chuyên canh rau màu ở tổ dân phố 16. Đất ven sông Cầu nên được phù sa bồi đắp màu mỡ phù hợp với trồng các loại rau, tổ lại gần chợ đầu mối Túc Duyên và chợ Thái nên khá thuận tiện cho tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể hóa Nghị quyết này, Chi bộ tổ dân phố 16 đã triển khai tới các đảng viên, yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện trước để bà con noi theo.

 

Khi ấy, gia đình ông Sỹ là một trong số cán bộ, đảng viên đầu tiên của tổ mạnh dạn đưa vào trồng các loại rau màu vụ đông thay vì bỏ không đất sau khi cấy 2 vụ lúa. Nhà có hơn 1 mẫu ruộng, ban đầu ông dành 5 sào đất màu trồng cà chua. Sau vài năm, nhận thấy thị trường một số loại ngô ngọt, bí siêu ngọn, khoai tây… có đầu ra ổn định và giá cả hợp lý, ông Sỹ đã dành 3-5 sào đất trồng ngô ngọt quanh năm. Với giá bán từ 3-4 nghìn đồng/bắp, trung bình mỗi sào cho 1.000-1500 bắp, ông thu về 3-5 triệu đồng. Như vậy, 1 năm riêng từ ngô ngọt, gia đình ông đã có thu nhập gần 60 triệu đồng. Nhận thấy lợi ích kinh tế của việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng là có thực, các hộ dân đều lựa chọn các loại rau màu vụ đông phù hợp để gieo trồng. Bà con cũng đã cấy các giống lúa lai như Nhị ưu 838, HKT99… cho năng suất cao thay vì cấy giống cũ và tự để giống như trước. Cả xóm có 9ha đất nông nghiệp, trong đó có 6ha cấy lúa và 3ha canh tác rau màu. Mỗi vụ, tổ cấy 50% diện tích lúa lai. Sau thu hoạch lúa, từng thửa đất trên cánh đồng được cày tơi xốp, bắt đầu cho vụ đông, cũng là vụ người dân có thu nhập chính trong năm.

 

Mình làm tốt, nói dân mới tin

 

Không chỉ linh hoạt trong phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Tiến Sỹ còn là người uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Dìu. Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm của mình, ông Sỹ đã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các phong trào thi đua, trong đó có xây dựng cơ sở hạ tầng, như việc xây dựng Nhà văn hóa của tổ. Chuyện là bao năm nay, tổ 16 vẫn sinh hoạt chung Nhà văn hóa với tổ dân phố 17. Năm 2014, Chi bộ đã ra nghị quyết làm Nhà văn hóa, triển khai đến các đoàn thể và bà con nhân dân; dự kiến mỗi khẩu sẽ đóng góp 700 nghìn đồng, ban đầu, một số hộ chưa đồng thuận. “Chúng tôi đến tận nhà gặp trưởng các dòng họ (ở tổ có 5 dòng họ lớn: Trương, Ân, Bàng, Nguyễn, Diệp) để tuyên truyền. Khi trưởng họ đã “thông”, sẽ có cách vận động anh em, con cháu của dòng họ chấp hành tốt. Tổ quy định miễn cho người tàn tật, còn người từ 80 tuổi trở lên mức đóng là 50%. Nhiều gia đình hộ nghèo cũng đã vui vẻ đóng góp, như gia đình chị Quách Thị Phương, Nguyễn Thị Lộc. Gia đình chị Trịnh Thị Thủy, buôn bán nhỏ cũng đã ủng hộ thêm 8 triệu đồng”… Ông Sỹ kể. Tháng 2-2015, Nhà văn hóa của tổ được đưa vào sử dụng, tổng trị giá trên 300 triệu đồng.

 

Không chỉ làm gương sáng và vận động tốt việc bà con trong tổ đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Sỹ cũng là người có công trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ông đã tham gia xây dựng hương ước của tổ và gương mẫu thực hiện tốt để bà con noi theo, trong tổ không để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan, người dân sống hòa thuận, an ninh trật tự được đảm bảo. Hàng năm, tổ đều được phường tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là khu dân cư Văn hóa tiêu biểu của Thành phố. Đầu năm nay, tổ đã thành lập được Câu lạc bộ hát Soọng cô, với trên 30 hội viên. Điều đáng nói là không chỉ có người cao tuổi, còn nhiều người trẻ tham gia.

 

Ông Nguyễn Tiến Chuyền, đảng viên cao tuổi tổ dân phố 16 đánh giá: Ông Sỹ là một người gương mẫu, trách nhiệm. Người dân trong tổ chúng tôi ai cũng quý mến, kính trọng ông Sỹ, người tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình và các hoạt động ở địa phương, là tấm gương sáng cho bà con noi theo.