Góp thêm hương sắc cho đời

15:45, 22/02/2016

Nghe danh đã lâu nhưng khi đặt chân đến ngôi nhà nhỏ xinh của cô giáo Lê Minh Thu, tại tổ 15, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên, hiện đang công tác ở Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tỉnh, tôi vẫn ngỡ ngàng như bước vào rừng hoa.

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô giáo Lê Minh Thu say sưa nói về ý nghĩa từng loài hoa nhưng mười ngón tay cô vẫn thoăn thoắt uốn những bông hoa lụa… Cô kể về mối nhân duyên khi trở thành cô giáo dạy làm hoa: “Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1992, tôi được điều về Trường THPT Ngô Quyền công tác. Đến năm 1997, tôi được Sở Giáo dục & Đào tạo điều chuyển về Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tỉnh vừa làm công tác hành chính, kiêm giáo viên. Nhiệm vụ của Trung tâm là vừa dạy nghề, vừa hướng nghiệp cho học sinh. Để đảm đương được công việc cấp trên giao, tôi đã đăng ký theo học nghệ thuật làm hoa, cắm hoa của nghệ nhân Mai Hạnh - nghệ nhân hàng đầu về làm hoa lụa của Việt Nam. Từ lúc còn chưa biết cách cắm hoa, đến làm hoa là gì, được nghệ nhân truyền cho niềm đam mê, tôi đã yêu hoa tự bao giờ. Học nghề, rồi trở thành giáo viên, tôi hiểu làm hoa là cả một nghệ thuật. Người làm hoa chính là đưa cả tâm hồn mình vào tác phẩm để tái hiện lại vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng.

 

Đến nay, đã hơn 10 năm trong nghề dạy làm hoa và cắm hoa lụa nhưng dường như chưa bao giờ cô giáo Lê Minh Thu làm hoa theo kỹ xảo của một người thợ quen tay, lành nghề. Cô Thu tiết lộ: “Hoa lụa là hoa giả nhưng nếu không thổi hồn của người thợ vào đó, đóa hoa chỉ như nhúm vải vô hồn, lạnh lẽo. Cũng vì lẽ đó nên điều thú vị trong nghệ thuật chơi hoa lụa mà những kẻ ngoại đạo ít biết, là hoa lụa cũng có… hương thơm. Muốn hoa có hồn, người làm hoa phải là nghệ sĩ. Hoa lụa đẹp nhất là sau khi cắm hai đến ba năm, không chỉ bền về sắc hoa mà còn đượm cái hồn chủ nhân. Để hoa lụa có màu sắc sống động và bền như hoa thật, đòi hỏi kỹ thuật pha màu, vẽ công phu, chuẩn xác”.

 

Từ tình yêu đối với hoa, cô Lê Minh Thu đã giảng dạy cho hàng nghìn học sinh học nghề làm hoa, cắm hoa tại Trung tâm và dạy truyền nghề cho gần 200 người trên địa bàn tỉnh từ những em học sinh tiểu học, đến các cán bộ, giáo viên, người đã nghỉ hưu, người kinh doanh hoa. Và hằng năm, cô còn tham gia làm ban giám khảo hàng chục cuộc thi cắm hoa nghệ thuật của các cơ quan, đơn vị nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11…

 

Những dịp nghỉ hè, cô còn tham gia cùng Nghệ nhân Mai Hạnh tham gia cắm hoa tại các cuộc thi trình diễn cắm hoa giao lưu với Nhật Bản; cắm hoa tại triển lãm hình ảnh Apec và di sản văn hóa Việt Nam... Trong nghiệp làm hoa của cô giáo Lê Minh Thu, cô vẫn đau đáu việc bảo tồn và duy trì nghệ thuật làm và cắm hoa lụa trong tương lai. Với cô, giữ được nghề đã khó nhưng để nghề không thất truyền thì lại càng khó hơn. Chính vì vậy, trong suốt những năm qua, vào các dịp nghỉ hè, cô đã đến những ngôi trường, làng trẻ em SOS truyền nghề cho những học sinh mồ côi, tàn tật, con cháu nạn nhân chất độc da cam. Thậm chí, cô giáo Lê Minh Thu còn mang những sản phẩm hoa mình làm được đem bán quyên góp tiền ủng hộ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị tật nguyền...

 

Nhận xét về cô giáo Lê Minh Thu, đồng chí Ngô Tuấn Tăng, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tỉnh khẳng định: “Cô Thu là một giáo viên rất tâm huyết và trách nhiệm. Trong những năm qua, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và liên tục là giáo viên dạy giỏi, tấm gương sáng trong Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.

 

Về dự định trong tương lai, cô giáo Lê Minh Thu đang ấp ủ mở một cơ sở làm hoa lụa tại Thái Nguyên để có thể vừa làm vừa truyền nghề làm đẹp cho đời, có thêm thu nhập và tạo việc làm cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Chúc cho ước mơ thật bình dị và nhân văn của cô sớm thành hiện thực.