Không ngừng sáng tạo

09:01, 30/04/2016

Những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do của Công đoàn Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên, công nhân lao động.

Nhanh nhẹn, hoạt bát và rất thân thiện đó là cảm nhận đầu tiên của mọi người khi tiếp xúc với Dương Văn Ninh. Còn trong lao động sản xuất, anh Ninh luôn là người công nhân cần mẫn, chịu khó tìm tòi để có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất.

 

Sinh năm 1960, sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân cơ điện Việt Bắc (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật), năm 1980, anh Ninh lên Lạng Sơn xin vào làm tại một lâm trường ở huyện Hữu Lũng. Làm việc được 3 năm, nhận thấy công việc không phù hợp với chuyên môn đào tạo, năm 1984 anh về quê và xin vào làm việc tại Nhà máy Luyện thép Lưu Xá. Hiện anh đang là công nhân bậc 7/7, phụ trách Tổ Cơ lò thuộc Phân xưởng Công nghệ. Tổ Cơ lò có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống thiết bị điện trong dây chuyền sản xuất thép của Nhà máy. 32 năm gắn bó với Nhà máy, bằng niềm đam mê sáng tạo, ham học hỏi và hết lòng với công việc, anh không ngừng phát huy kinh nghiệm, tìm tòi, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị thiết thực, mang lại lợi nhuận cho đơn vị.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh nói như tâm sự: “Khi làm bất cứ việc gì, dù trong cuộc sống hàng ngày hay trong công việc, tôi luôn suy nghĩ làm cách nào để hoàn thành công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ở Nhà máy, tôi luôn sâu sát với công việc, các máy móc cũng như con người, nếu mình quan tâm đến nó thì bất cứ sự thay đổi nào của nó mình cũng có thể nhận ra. Nếu các hệ thống lò bị hỏng không sửa chữa kịp thời sẽ đình trệ quá trình sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì thế trong công việc tôi đều cố gắng suy nghĩ, tìm phương pháp cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, đảm bảo an toàn trong sản xuất…

 

Năm vừa qua, anh Ninh đã có 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Nhà máy đánh giá cao đó là: Cải tạo hệ thống làm mát dầu thủy lực lò điện số 2 và Biện pháp cải tiến tăng cứng sàn động bằng các tăng đơ cho lò điện siêu cao công suất. Đối với sáng kiến cải tại làm mát dầu thủy lực lò điện số 2 thì thực tế Trạm thủy lực lò điện siêu cao công suất 30T số 2 sau một thời gian sử dụng tốc độ làm mát kém đi do đó làm nhiệt độ dầu thủy lực tăng lên thường trên 600C dẫn đến giảm tuổi thọ của gioăng phớt xi lanh, các van điện từ, bơm mất nhiều thời gian thay thế sửa chữa, ảnh hưởng đến sản xuất. Từ thực tế sản xuất, anh nghiên cứu cho lắp nối tiếp thêm một bộ làm mát dầu và đường cấp thoát nước làm dầu từ đư¬ờng nư¬ớc bơm tuần hoàn có áp lực, l¬ưu lư¬ợng lớn hơn nước công nghiệp. Khi lò sản xuất sử dụng đường nước làm mát dầu từ bơm tuần hoàn. Khi dừng thay lò sử dụng đường nước làm mát công nghiệp. Hiệu quả kinh tế nhiệt độ dầu thủy lực đảm bảo thường từ 50 đến 600C . Nâng cao tuổi thọ của gioăng phớt xi lanh, các van điện từ, bơm. Giảm tổn hao dầu. Đối với sáng kiến thứ hai là cải tiến tăng cứng sàn động bằng các tăng đơ cho lò điện siêu cao công suất thì tình trạng trước khi có sáng kiến: Sàn động lò điện vị trí lắp đặt ray quay mũ lò làm việc sau thời gian bị mọt, gỉ các gân tăng cứng, tấm thép bị lát bề mặt, khi quay mũ lò đến vị trí sàn yếu, sàn bị lún, võng, gây khó khăn cho quá trình làm việc, làm giảm tuổi thọ của ray quay mũ, hay bị gãy ray. Sau quá trình nghiên cứu, anh đưa ra giải pháp: Tăng độ bòn sàn ray, giảm thời gian dừng sửa chữa. Về công nghệ, biện pháp này giúp công nhân thao tác thuận tiện, đảm bảo thao tác chính xác, an toàn  về người và thiết bị, đạt thời gian ngừng lò thấp nhất. Về hiệu quả kinh tế, ổn định sàn bằng cứng, vững chắc, việc quay mũ lò ổn định, đảm bảo tuổi thọ ray quay mũ, giảm thời gian dừng sửa chữa, đảm bảo an toàn và các yêu cầu kỹ thuật.

 

Được biết, với vai trò phụ trách sửa chữa Tổ cơ lò gồm 25 công nhân, anh luôn gương mẫu trong công việc, phân công anh em làm việc 3 ca để kịp thời duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thiết bị lò trong dây chuyền sản xuất của Nhà máy. Cá nhân anh luôn hăng hái đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến, tiết kiệm do Công đoàn Nhà máy phát động. Anh còn tư vấn cho Tổ công đoàn thực hiện tốt chương trình khoa học kỹ thuật, sáng kiến tiết kiệm cũng như tham gia các chuyên đề tọa đàm nâng cao hiệu quả thiết bị và thi đua thao diễn kỹ thuật, thi chọn công nhân viên chức lao động giỏi. Được biết, gia đình anh Ninh có 3 người con, con trai lớn của anh cũng theo nghề của bố hiện đang làm công nhân tại Nhà máy và là Ủy viên BCH Đoàn, Bí thư Chi đoàn Thiết bị. Hai cô con gái của anh đều là công chức Nhà nước.

 

Nhận xét về anh Dương Văn Ninh, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy anh Vũ Tú Anh khẳng định: “Tuổi đời, tuổi nghề của anh Ninh cao gần nhất Nhà máy. Những công nhân cao tuổi lao động sáng tạo như anh Ninh ở đơn vị không nhiều. Năm nào anh cũng có sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Nhà máy và được nhiều cấp như: Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn ngành Công thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… khen thưởng. Nhiều người tầm tuổi của anh khi có các chế độ, chính sách của Nhà nước họ làm đơn xin nghỉ. Nhưng với anh Ninh gắn bó với đơn vị 32 năm rồi, những con người cần mẫn, lao động sáng tạo như anh là tài sản quý của Nhà máy mà chúng tôi rất trân trọng”.

 

Anh Dương Văn Ninh, công nhân Phân xưởng Công nghệ Nhà máy Luyện thép Lưu Xá liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Liên tục được nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổng Công ty Thép Việt Nam. 2 năm 2011-2012 anh đều được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen của Công đoàn Công thương Việt Nam và Bộ Công thương. Anh là 1 trong 5 công nhân tiêu biểu vừa được Liên đoàn Lao động tỉnh trình UBND tỉnh, Ban Thi đua- Khen thưởng tỉnh xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.