Ông đến các cơ quan, doanh nghiệp vận động mua vé số; tìm gặp các doanh nhân, nhà hảo tâm xin tiền tài trợ. Bản thân ông cũng dành một khoản tiền trợ cấp riêng hàng tháng để giúp đỡ những gia đình nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) nghèo. Đã nhiều năm nay, ông gác việc nhà để đi lo việc thiên hạ, vì vậy nhiều người thường gọi ông là “Ông già mang trái tim nhân hậu”. Đó là ông Ngô Văn Khoát, 68 tuổi đời, 44 năm tuổi Đảng, hiện đang làm Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Phú Bình.
Ông Ngô Văn Khoát là một quân nhân từng tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc, rồi làm giảng viên tại Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng), làm chuyên gia chính trị cho Quân đội Campuchia… Năm 2002, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Ông cho biết: Năm 1970, tôi tình nguyện nhập ngũ khi đang học năm thứ tư Trường Đại học Thuỷ lợi Hà Nội. Năm 1972, do lập được nhiều chiến công ngoài mặt trận, tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau 32 năm phục vụ Quân đội, tôi mang về cho vợ con 3 tấm Huân chương…
Nghỉ hưu, nhưng chưa một ngày ông được nghỉ ngơi. Bởi vừa khoác ba lô về nhà, các đảng viên trong chi bộ tổ 2, thị trấn Hương Sơn, nơi vợ con ông cư trú đến chia vui, vận động ông nộp giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, rồi sau đó tín nhiệm bầu ông làm Bí thư Chi bộ. Thấy ông hăng hái, nhiệt tình, các đồng đội cũ bầu ông làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn. Năm 2008, huyện Phú Bình chủ trương thành lập Hội NNCĐDC, các đồng chí lãnh đạo huyện nghĩ ngay tới ông, “triệu” ông lên huyện, giao cho ông nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Hội. Việc “quàng vào cổ”, ông nhúc nhắc với chiếc xe máy cũ, về các xã, thị trấn để nắm bắt tình hình đời sống của NNCĐDC, đồng thời vận động đồng chí mình tham gia sinh hoạt Hội. Chỉ sau hơn 1 tháng, ông vận động được hơn 500 NNCĐDC tham gia sinh hoạt. Ông tâm sự: Mỗi lần đến thăm gia đình NNCĐDC, chứng kiến nỗi đau thể xác, tinh thần của đồng đội, con em đồng đội, lòng tôi đau lắm. Có lần tôi nói với vợ mình: Anh đã đi qua nhiều cuộc chiến, nhưng không có cuộc chiến nào thảm khốc, đau thương như cuộc chiến mà nhiều đồng đội anh đang phải đối diện, đó là cuộc chiến đấu chống lại bệnh tật và nỗi đau tinh thần.
Ông Khoát dừng lời, chiêu ngụm trà chát đắng, mắt nhìn xa xăm ra khoảng sân đầy nắng trước văn phòng làm việc. Tôi biết, sau lưng ông là bà Dương Thị Lộc, một người vợ tảo tần, lặng thầm hy sinh hạnh phúc riêng, tạo cho ông có nhiều thời gian chạy đuổi với tuổi tác, đến với những người lính không may mắn sau chiến tranh. Trong tuần, ông lo việc sổ sách, cân nhắc số tiền quỹ hiện có để giúp đỡ gia đình nạn nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Ngày nghỉ cuối tuần, ông bảo vợ cho tiền xăng xe, tiền thăm nom đồng đội, con đồng đội bị ốm. Mà NNCĐDC, có rất nhiều người đau ốm triền miên, vậy nhưng ông vẫn đến để sẻ chia, động viên, với tâm nguyện thắp sáng lên nụ cười hy vọng. Nhớ năm 2011, ông bảo vợ cho tiền sắm chiếc máy ảnh, rồi vè vè xe máy về từng địa chỉ NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ghi hình. Ông đã làm công việc này bằng trái tim nhân hậu, chứ không phải vì một đam mê nhất thời của người thợ ảnh.
Ông lật mở cho chúng tôi xem từng tấm ảnh. Mỗi tấm ảnh là một niềm đau khắc khoải dội về từ quá khứ. Hơn những người thường, ông Khoát cảm nhận được tiếng khóc bi thương giấu sau nụ cười da cam. Ông nén giấu xúc động, bảo: Đau lắm anh ạ, một huyện nhỏ bé như Phú Bình mà có tới hơn 2.000 con người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Nhưng hiện mới có hơn 1.400 NNCĐDC được hưởng chế độ chính sách. Còn gần 700 NNCĐDC trực tiếp, 79 con, cháu NNCĐDC bị dị tật, dị dạng chưa được hưởng chế độ…
Thấy ông nặng lòng với công việc, thậm chí thường xuyên bỏ tiền túi ra thăm nom NNCĐDC, cũng có người bảo ông “ôm rơm dặm bụng”. Ông cười, bảo: Với mức lương đại tá nghỉ hưu, cộng thêm tiền hỗ trợ của Nhà nước cho NNCĐDC, tôi có thể đi du lịch khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí là đi du lịch ra nước ngoài. Nhưng còn nhiều đồng đội tôi, các cháu tôi đang đau đớn, tôi không thể… Sau giây lát dừng lời, ông tiếp tục câu chuyện: Chỉ từ năm 2008 đến nay, trong huyện Phú Bình đã có 237 NNCĐDC chết vì những căn bệnh hiểm nghèo, nhiều nhất là ung thư phổi, ung thư gan và bại não.
Tôi biết, trái tim ông máu ứa, nước mắt đọng đầy vì phải chứng kiến nỗi đau của chính những người đồng đội. Đau hơn nữa vì mỗi ngày, hình ảnh các cháu như: Dương Đình Quý, xóm Huống, xã Thượng Đình hằng ngày sống chung với sợi xích sắt; cháu Dương Thị Hồng Sinh, xóm Giữa, thị trấn Hương Sơn bị bại liệt từ nhỏ; cháu Dương Thị Oanh, xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá cả ngày cười vì không biết nhận thức… cứ hiển hiện khi ông bưng lưng cơm và ùa vào trong giấc ngủ, gào gọi ông ơi cứu cháu.
Còn rất nhiều nữa những phận đời được sinh ra sau chiến tranh, như cô gái Hoàng Thị Sâm, xóm Giếng Mật, xã Tân Hòa, các cháu đều đã hơn 40 tuổi đời, nhưng chưa bao giờ có một ngày được làm người trọn vẹn. Cảm thương, ông Khoát vẫn hằng ngày mang cái sức ở tuổi kề “thất thập cổ lai hy mấy nay hiếm” đi bán vé số, đến với nhà hảo tâm, xin tiền cho những phận người đau đớn nhất trong xã hội. Vậy nhưng khi được hỏi, ông hồn nhiên trả lời: Là người của Đảng, tôi chẳng nề nan việc gì, chỉ nguyện làm được một công việc gì đó để những NNCĐDC vơi bớt nỗi đau.
Từ năm 2011 đến hết tháng 6-2016, huyện Phú Bình có 25 gia đình NNCĐDC được hỗ trợ tiền sửa nhà, với tổng số tiền hỗ trợ gần 356 triệu đồng; 60 NNCĐDC được hỗ trợ tiền làm nhà mới, với tổng số tiền gần 1 tỷ 214 triệu đồng; hơn 3.300 lượt gia đình NNCĐDC được tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán và ngày thảm họa da cam (10-8), với tổng trị giá gần 467 triệu đồng; hơn 3.400 lượt NNCĐDC được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, với tổng trị giá gần 165 triệu đồng.