Nghe tin binh nhất Phan Anh Tuấn, chiến sĩ thuộc Đại đội phục vụ chỉ huy (Lữ đoàn 210, Quân khu 1) thi đỗ vào Trường Đại học Chính trị (tên quân sự là Sĩ quan Chính trị), cả Đại đội chỉ huy tràn ngập niềm vui bởi ai cũng biết hoàn cảnh gia đình của Tuấn rất khó khăn, Tuấn đã nỗ lực vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị, vừa tranh thủ ôn thi và còn dành dụm tiền phụ cấp gửi về giúp đỡ gia đình.
Binh nhất Phan Anh Tuấn sinh ra và lớn lên ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương, một vùng đất hiếu học và giàu truyền thống cách mạng. Cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của Tuấn hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của cha, mẹ, ông, bà nội ngoại cùng với nhiều người thân khác trong gia đình. Thế nhưng đến năm 2009, bố của Tuấn qua đời vì bệnh trọng, vài năm sau, mẹ Tuấn đi “bước nữa”, Tuấn và người em trai còn rất nhỏ đã phải ở lúc với ông bà nội, lúc sang ông bà ngoại. Thế rồi cả ông nội và ông ngoại của Tuấn cũng ra đi. Mẹ lại ở khá xa, nên hai anh em Tuấn chỉ còn chỗ dựa chính vào hai bà nội, ngoại đều đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” và bà con trong xã Động Đạt. Những năm học ở bậc phổ thông trung học, trong khi các bạn lo chuyện học thêm thì Tuấn vẫn phải lao động giúp đỡ bà và góp phần nuôi em ăn học.
Thượng tá Hoàng Quang Huy, Phó chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu 1 có con học cùng với Tuấn kể lại: “Hoàn cảnh gia đình của cháu Tuấn rất khó khăn. Nửa ngày đi học, nửa ngày đi làm giúp bà, nhưng được sự động viên giúp đỡ của các thầy cô giáo và các bạn cùng lớp, cháu vẫn cố gắng học tốt. Ngay từ thủa bé, Tuấn đã có ước mơ trở thành bộ đội. Năm ngoái, khi học lớp 12, Tuấn đã đăng ký thi vào Học viện Hậu cần, nhưng rất tiếc, cháu còn thiếu đúng một điểm so với điểm chuẩn. Ngay sau đó, Tuấn làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Năm nay đơn vị cho Tuấn thi vào Đại học Chính trị, cháu đã nỗ lực tự ôn luyện và đã thừa điểm chuẩn”.
Khi hỏi về lý do chọn trường Đại học Chính trị, Tuấn rớm lệ kể về những ngày ở Đại đội phục vụ chỉ huy (Lữ đoàn 210) được các đồng chí trong đơn vị, đặc biệt là Đại úy Trịnh Hữu Trung, Chính trị viên đại đội hết lòng thương yêu, tạo điều kiện cho Tuấn có thời gian ôn thi. Noi gương chính trị viên, Tuấn quyết tâm sẽ trở thành người cán bộ chính trị và muốn sau khi ra trường, được công tại Lữ đoàn 210 - ngôi nhà thân yêu của mình.
Đại úy, Chính trị viên Trịnh Hữu Trung cảm động kể lại việc ôn luyện của Tuấn: “Đêm nào cũng vậy, sau khi kèn báo giờ ngủ, Phan Anh Tuấn đều lặng lẽ ngồi một góc trong phòng chỉ huy Đại đội hoặc ngồi trong hành lang của Sở chỉ huy Lữ đoàn ôn bài. Thông thường, khoảng 12 giờ đêm em mới đi ngủ. Sáng sớm hôm sau, em lại dậy tập thể dục với đồng đội. Trong mấy tháng gần thi, đơn vị đã tạo điều kiện cho em không phải gác đêm. Nghị lực vượt khó của em là nguồn động lực để nhiều chiến sĩ trong đơn vị khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.