Tấm lòng nhân hậu của người lái xe ôm

15:58, 05/11/2016

Trên đường thấy người gặp nạn, ông đưa họ đi bệnh viện; chở miễn phí cho người nghèo, người mắc bệnh nan y… Đã nhiều năm nay, ông “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” lo chuyện thiên hạ trên những con đường. Đó là ông Trịnh Quang Chính (sinh năm 1960) làm nghề lái xe ôm, ở tổ 7, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên.

Chúng tôi hẹn gặp ông lúc 9 giờ sáng, thế nhưng ông vẫn đến muộn khoảng 20 phút. Với dáng vẻ vội vã trong trang phục quần jean, áo khoắc đỏ (đồng phục của Hội Chữ thập đỏ), ông Chính xin lỗi chúng tôi vì đã đến muộn do vừa đưa một phụ nữ bị tai nạn giao thông đến cấp cứu ở bệnh viện. Ông kể, trên đường về nhà, ông chứng kiến vụ va quệt giữa hai xe máy gần đường tròn trung tâm thành phố khiến một phụ nữ bị thương và chảy nhiều máu. Có mặt tại hiện trường, ông đã nhanh chóng làm các thao tác sơ cứu để cầm máu và đưa chị vào viện cấp cứu. May mắn, nạn nhân không bị nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, ông vẫn ở lại bên cạnh người bệnh cho đến khi người nhà có mặt, ông mới yên tâm ra về.

 

Chia sẻ với chúng tôi về việc làm ý nghĩa này, ông Chính nói: “Tôi làm nghề lái xe ôm, hàng ngày đợi đón khách trên các tuyến đường đông người qua lại như Lương Ngọc Quyến, Phan Đình Phùng, Đồng Quang, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông trên đường khiến nạn nhân gặp nguy kịch nhưng không được ai giúp đỡ, nhiều người dân ở đó cũng chỉ tò mò ra xem; thậm chí nhiều đối tượng xấu còn lợi dụng lấy cắp tài sản. Vì thế, tôi ý thức rằng bản thân mình cần phải làm việc gì đó cứu giúp người không may gặp nạn trên đường”. Từ trong suy nghĩ thiện nguyện, ông Chính tự mày mò, tìm hiểu qua tài liệu cách sơ cứu cho người gặp nạn, tự mua bông băng, thuốc cầm máu, các dụng cụ y tế và chế tạo nẹp cứu thương. Những vật dụng này luôn được ông mang theo bên mình để sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn mỗi khi cần. Từ năm 2007 đến nay, bất kể sáng hay tối, nắng hay mưa, khi bắt gặp hay nhận được tin có tai nạn xảy ra, ông đều lập tức tới giúp đỡ.

 

Có những kỷ niệm khiến ông nhớ mãi. Đó là ngày mùng 5 Tết âm lịch của năm 2010, lúc 2 giờ sáng, ông Chính nhận được điện thoại báo có tai nạn xảy ra gần Bến xe khách cũ. Nhanh chóng có mặt tại hiện trường, ông thấy xung quanh vắng ngắt, một nam thanh niên nằm bất tỉnh bên vệ đường (sau này ông được biết anh là Thành Nam, nhà ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai), còn chiếc xe máy bị văng xa vài chục mét. Nhìn cách thở của Nam, ông đoán anh bị vỡ lá lách cần được phẫu thuật nên ông nhanh chóng sơ cứu và gọi xe cấp cứu đưa anh vào bệnh viện. Ca phẫu thuật thành công vào lúc 5 giờ sáng, số tiền hơn 10 triệu đồng của Nam mang theo trong túi xách cũng được ông bảo quản và hoàn trả đầy đủ cho người thân. Sau này, Nam nhận ông là người thân và thường xuyên đến thăm ông. Thế nhưng, cũng có những kỷ niệm khiến cho ông Chính cảm thấy chạnh lòng. Đó là những trường hợp dù đã rất cố gắng nhưng người bệnh không qua khỏi vì vết thương quá nặng, hoặc cũng có lúc nạn nhân được ông đưa vào viện vẫn còn trong tình trạng say bia, rượu nên hiểu nhầm ông là kẻ trộm rình rập lấy tài sản. Thậm chí, có trường hợp, người nhà vừa đến bệnh viện vì quá lo lắng, bối rối, nhầm tưởng ông là người gây ra tai nạn nên đã xông vào đánh đấm, lăng mạ ông. Ông Chính bảo: Lúc đó tôi cũng tủi thân lắm, muốn từ bỏ công việc nhưng không bỏ được. Bởi từ trong thâm tâm khi thấy người gặp nạn không thể không cứu giúp. Vì thế, tôi động viên mình đã làm từ thiện thì không nên tự ái. Phải đặt mình ở suy nghĩ của người khác, để cảm thông và hiểu cho họ.

 

Từ việc làm ý nghĩa này, tấm lòng của ông Chính được nhiều người ghi nhận cảm phục. Năm 2009, ông được mời tham gia Đội lái xe ôm an toàn, giữ cương vị Đội phó. Từ đó đến nay, ông tập hợp được thêm 9 thành viên lái xe ôm trên các tuyến đường trung tâm, hướng dẫn họ các thao tác cứu nạn. Đến nay, Đội xe ôm an toàn T.P Thái Nguyên đã cứu giúp được gần 500 trường hợp bị tai nạn trên đường. Ngoài ra, ông Chính còn chở xe ôm miễn phí cho người nghèo. Ông kể có bệnh nhân tên là Nguyễn Văn Lợi, ở tổ 9, phường Quang Trung bị bệnh nan y hơn 4 năm nay phải đều đặn 3 lần/tuần vào viện điều trị. Thấy hoàn cảnh anh Lợi bị bệnh, con còn nhỏ, vợ lại không biết đi xe máy nên ông Chính đã nhận chở miễn phí mỗi lần anh đi bệnh viện... Bằng những việc làm ý nghĩa đó, ông được nhận nhiều Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ T.P Thái Nguyên.