Vượt qua vết thương chiến tranh

11:00, 19/12/2016

Không để thương tật sau chiến tranh và di chứng chất độc Da cam/Dioxin níu kéo khát vọng làm giàu, bằng nghị lực và ý chí vượt khó, thương binh Lê Văn Cương, xóm Vân Đình, xã Thanh Ninh (Phú Bình) đã trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu “tàn nhưng không phế”. Gần ở tuổi thất thập, ông vẫn năng động, làm chủ hai cơ sở xản xuất tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.

Gió mùa Đông Bắc cuối năm thổi về khiến trời trở lạnh. Qua lời giới thiệu của Hội nạn Nhân chất độc Da cam/Dioxin huyện, chúng tôi theo những chiếc xe hàng chở nguyên liệu gỗ bóc về cơ sở chế biến gỗ của ông Cương. Chúng tôi và cánh tài xế co ro trong chiếc áo ấm, còn ông chỉ mặc chiếc áo cộc tay vừa dẫn lối cho xe xuống hàng vừa lập bảng kiểm kê. Ông vào chuyện một cách tự nhiên: “Phải vận động mới ấm người, mới thắng nổi cái rét. Thời chiến tranh, sốt rét, mưa rừng run bật cả người khỏi cáng võng mà còn chống chọi được….”.

 

Ông nhập ngũ năm 1967 và tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Trung Bộ và Tây nguyên. Cũng tại chiến trường này, ông bị thương và bị nhiễm độc chất Dioxin do đế quốc Mỹ thả xuống trận địa. Năm 1987, ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương khi trên người chằng chịt sẹo, kèm theo mảnh đạn găm sâu khắp cơ thể. Vừa cùng gia đình tổ chức lại cuộc sống, vừa chạy chữa thương tật khắp các bệnh viện, nên làm ra bao nhiêu thóc, gạo cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Vừa nói chuyện, ông vừa kéo tay áo chỉ vết mổ bắp lấy mảnh đạn cũ mới se da, liền thịt dịp tháng 11-2016 vừa rồi tại Bệnh viện Quân đội 108. Ông cười nói sảng khoái mỗi khi hỏi về kỷ niệm chiến trường và cuộc sống sau khi rời quân ngũ: “Ngày mới về tâm tư cũng năng nề lắm, đêm trái gió, trở trời là đau buốt, trời rét quay quắt mà người cứ đổ mồ hôi nóng như có lửa nung từ trong ra. Sau này đi giám định tôi mới biết bị nhiễm chất độc Da cam/Dioxin. Nhưng, không lẽ mỗi lần đau thì cứ nằm vậy kêu. Mình phải vượt lên chính mình, phải dùng ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, trước cái chết không sờn lòng mới chiến thắng kẻ thù. Mình gan dạ, nghị lực thì những người xung quanh mình mới có thêm ý chí, niềm tin để cùng vượt khó. Phải nghĩ ra việc thì mới quên đau đớn, khuây khỏa về tư tưởng”.

 

Những lúc khỏe, ông Cương cùng gia đình tập trung làm kinh tế, như chăn nuôi gia trại, bán lợn thịt, lợn giống, nuôi gà thịt, gà đẻ trứng… Nên ông thường xuyên tìm hiểu về thị trường, dư luận xã hội và thị hiếu tiêu dùng để nâng cao hiệu quả sản xuất của gia đình. Ông kể: Khi thị trường chăn nuôi cần lợn thịt, thì gia đình tôi chuyển hướng sản xuất con giống bán; khi thị trường cần thịt lợn “sạch” thì gia đình tập trung đầu tư thức ăn, thay đổi quy trình chăn nuôi…, nên sản phẩm làm ra ít khi mất giá. Năm 2010, gia đình ông Cương chuyển sang chế biến gỗ bóc, từ quy mô nhỏ chỉ vài chục mét khối/năm, đến nay tăng dần lên trên 1.000m3/năm. Khi thị trường có dấu hiệu bão hòa vì có nhiều cơ sở cùng làm trên địa bàn xã, ông Cương đã tìm đến các vùng nguyên liệu đặt mua cây tại rừng và phân loại chất lượng tận gốc. Chính vì vậy sau gần chục năm, cơ sở chế biến gỗ bóc của ông vẫn đứng vững vì chất lượng sản phẩm và uy tín với bạn hàng. Năm 2012, khi thị trường gỗ xây dựng, nội thất bắt đầu khan hiếm do cạn nguồn gỗ, ông đã nhanh chóng cho các con đi học nghề cơ khí chế tạo vật liệu nhôm nhựa và cửa nhựa lõi thép thay thế đồ gỗ gia dụng. Năm 2014, ông mở xưởng cơ khí nhôm nhựa, cửa lõi thép… Mỗi năm gia đình ông tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, thu nhập bình quân đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hàng năm gia đình ông đạt gần 500 triệu đồng. Cũng năm 2014, gia đình ông bắt đầu trồng rau an toàn. Theo tính toán của ông Cương, mỗi sào rau an toàn thu lợi gấp 5-6 lần so với cấy lúa. Chính vì vậy gia đình ông đã chuyển 3 sào cấy lúa năng suất thấp sang trồng rau an toàn, cho thu nhập ổn định từ 15-18 triệu đồng/sào/năm.

 

Từ một thương binh, nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin nghèo, bằng nghị lực vượt khó của bộ đội Cụ Hồ, ông Lê Văn Cương đã cùng gia đình với 5 nhân khẩu đã vươn lên làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống. Được biết, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm gia đình ông ủng hộ hoạt động nhân đạo, từ thiện, hoạt động khuyến học từ 10 đến 20 triệu đồng. Là một cựu chiến binh gương mẫu, liên tục từ năm 1997 đến 2015, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm, rồi làm Bí thư Chi bộ xóm Vân Đình.