Giúp đỡ người thất lạc tìm lại người thân, theo dõi, nắm bắt và kịp thời trợ giúp những địa chỉ khó khăn, kém may mắn… Đó là những việc làm tình nghĩa của bà Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1957, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thị trấn Giang Tiên (huyện Phú Lương).
Bà Thuận khởi nghiệp từ cán bộ Đoàn, sau đó chuyển sang làm cán bộ Hội Phụ nữ thị trấn và chuyên trách công tác dân số được hơn 17 năm. Trong công việc bà Thuận luôn bám sát cơ sở, đi vận động, tuyên truyền từng ngõ, gõ cửa từng hộ dân. Vì thế, bà có điều kiện tìm hiểu về đời sống quần chúng, đặc biệt những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống. Năm 2011, trong vai trò làm Chủ tịch Hội CTĐ thị trấn, bà Thuận đã cùng Ban Chấp hành xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết ngay từ đầu năm; tập hợp và kiện toàn lại thành viên chi hội; chỉ đạo đến từng chi hội thực hiện rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện khó khăn, chính sách, học sinh nghèo, gia đình bị hỏa hoạn, thiên tai cần cứu trợ đột xuất. Nhằm phát huy vai trò “cầu nối của những tấm lòng”, bà Thuận yêu cầu cán bộ, hội viên một mặt phải tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và đơn vị, mặt khác phải chủ động vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp giúp đỡ những đối tượng. Từ nhiều địa chỉ khó khăn được giúp đỡ phong trào sẽ dần được lan tỏa, khơi dậy trong cộng đồng, tạo động lực giúp người nghèo có điều kiện vươn lên.
Bà Thuận tâm niệm: “Lời nói phải đi đôi với việc làm, với vai trò là người đứng đầu bà càng phải gương mẫu đi đầu thì mới thuyết phục được cán bộ, hội viên tham gia”. Từ suy nghĩ đó, bà Thuận chủ động đi vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ nhiều đối tượng cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhớ lại năm 2014, Trường Mầm non thị trấn Giang Tiên bị ngập trong trận mưa lịch sử gây hư hỏng nặng và cuốn trôi nhiều dụng cụ, trang thiết bị phòng học. Mặc trời mưa to gió lớn, bà Thuận vẫn lặn lội vận động người dân và phụ huynh học sinh quyên góp ủng hộ Nhà trường. Năm đó, bản thân bà đã trực tiếp vận động hơn 20 triệu đồng, chăn ấm, đồ chơi cùng nhiều dụng cụ học tập cho học sinh. Phối hợp cùng Nhà trường kêu gọi các ngành, các cấp, đơn vị ủng hộ gần 100 triệu đồng. Trong năm vừa qua, bà còn trực tiếp vận động 20 nhà hảo tâm, cá nhân, doanh nghiệp tặng 10 chiếc xe đạp, 1 chiếc xe lắc và 1 chiếc xe lăn (tổng trị giá 30 triệu đồng) cho học sinh và nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ 10kg gạo và tiền mặt mỗi tháng (200 nghìn đồng) cho 2 địa chỉ nhân đạo là bà Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1934, ở phố Giang Bình) và ông Hoàng Minh Trường (sinh năm 1948, ở tiểu khu Giang Long). Bà Thuận còn giúp người thất lạc tìm lại gia đình là ông Vũ Đình Tần (sinh năm 1931, quê ở Hà Tĩnh), anh Vi Văn Xép (sinh năm 1981, quê ở Bắc Giang) và bà Vũ Thị Thoát (sinh năm 1948, quê ở Hà Nam).
Bà Thuận vui vẻ cho biết: “Trường hợp của Vi Văn Xép - cháu bị tâm thần nên bỏ nhà đi lang thang, không nhớ đường về. Trông thấy Xép sống vất vưởng đầu đường cuối chợ, tôi thấy mình cần phải giúp cháu tìm lại người thân. Hàng ngày, tôi vận động các tiểu thương khu chợ Phấn Mễ cho cháu đồ ăn, chăn ấm, thuê làm việc trả công theo ngày và hỏi thăm lấy thông tin thân nhân, quê quán. Ròng rã suốt 2 năm, kiên trì hỏi, ghép nối thông tin, liên lạc các nhiều địa phương, may mắn tôi giúp cháu tìm đúng địa chỉ về đoàn tụ cùng gia đình”.
Còn trường hợp của bà Vi Thị Vân (sinh năm 1958, ở phố Giang Sơn) bị đau ốm được bà Thuận giúp đỡ giờ đây đã khỏe mạnh. Bà Vân kể lại: “Tết năm 2012, tôi nằm liệt giường sau ca phẫu thuật xuất huyết dạ dày. Không có người thân chăm sóc, toàn bộ tiền dồn cả lo chữa bệnh nên không đủ chi phí sinh hoạt. Khi đó, cô Thuận đã vận động bà con, chòm xóm đến nấu cơm, chăm sóc, động viên tinh thần và ủng hộ vật chất gần 5 triệu đồng giúp tôi lo thuốc men và chi phí sinh hoạt”. Cảm kích về tấm lòng của bà Thuận, bà Vi Thị Vân cùng nhiều người khác như ông Hồ Tam Thép (phố Giang Sơn) và ông Trần Minh Đức (ở phố Giang Bình)… đã tự nguyện gia nhập hội viên Hội CTĐ. Bằng việc làm của mình, bà Thuận đã giúp mọi người hiểu hơn về ý nghĩa của Hội CTĐ. Họ trở thành hội viên, nhân tố đưa phong trào phát triển và lan tỏa trong cộng đồng. Đến nay, phong trào Hội đã thu hút được trên 230 hội viên sinh hoạt, với nhiều mô hình đội nhóm hoạt động từ thiện, nhân đạo. Tiểu biểu như “Phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” giúp đỡ hơn 650 đối tượng; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” kêu gọi hơn 140 triệu đồng ủng hộ giúp đỡ người nghèo xây nhà, tạo kế sinh nhai và từng bước vươn lên thoát nghèo…
Bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực và đóng góp tích cực vào công tác xây dựng, phát triển Hội, nhiều năm qua, bà Thuận đã được Hội CTĐ huyện Phú Lương và Hội CTĐ tỉnh tặng Giấy khen “Vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội và phong trào CTĐ”; được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” năm 2016.