Tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ nghèo

11:41, 14/04/2017

Bà Đỗ Thanh Tâm, 60 tuổi, xóm Trung Thành, xã Vô Tranh (Phú Lương) từ phong thái từ tốn cho đến khuôn mặt đầy đặn, thoạt nhìn người ta dễ nghĩ là người phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Thé nhưng, cuộc đời bà lại  không ít gian truân, đúng thời rực rỡ xuân sắc nhất thì bà bị ép duyên lấy một người chồng bị bệnh tâm thần. Sinh ba cậu con trai, một mình bà Tâm làm lụng nuôi cả nhà. Cơ cực cuộc đời dẫu có “cột” chặt lấy đôi vai nhưng chẳng thể trói được con tim và nhân cách sống của người phụ nữ nhân hậu này.

Gắng gượng qua nỗi khổ đau

 

Suốt 40 năm chung sống với chồng, bà Tâm không còn nhớ nổi đã bao nhiều lần bị chồng đánh đập và đuổi ra khỏi nhà khi ông lên cơn rồ dại. “Cơn điên biến ông ấy thành người khác chứ khi tỉnh táo, ông hiền lành và tốt tính lắm! Có hôm, ông ấy còn lên nương hái chè cùng, phụ nấu cơm cháo mỗi khi tôi đi làm về muộn” - bà Tâm nói. Hướng suy nghĩ lạc quan về chồng, bà Tâm bỏ lại sau lưng những sân hận để tiếp tục gắn bó cuộc đời với ông. Ngày biết vợ chồng có thêm một sinh linh bé bỏng sắp chào đời, lớn lên ê a tập nói thì niềm lạc quan lại nhân lên gấp bội. Nhưng “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đứa con trai sinh ra lành lặn, lớn lên thì lại ngớ ngẩn giống cha. Bà Tâm tự nhủ mình ăn ở hiền lành, chỉ chồng bị bệnh nên kiểu gì “Trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch” và ông Trời sẽ ban cho một đứa con lành lặn. Nhưng đẻ đến đứa thứ hai rồi thứ ba lúc nhỏ không sao, đến tuổi “chân chạy, miệng ăn” thì ngơ ngơ, ngác ngác, ốm yếu oặt ẹo.

 

Năm đứa con cả vừa tròn mười tuổi, chồng bà phát hiện bị ung thư máu. Không lâu sau, ông chết. Gắng gượng qua nỗi đau, bà Tâm một mình tảo tần bên ruộng vườn, sống tằn tiện nuôi các con đến tuổi trưởng thành. Nhưng hạnh phúc không vẹn tròn, người con cả của bà không may chết trong một vụ tai nạn giao thông; người con thứ hai bỏ nhà đi lưu lạc, còn người con út ở nhà cũng không khôn ngoan...

 

“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”

 

Khổ hạnh là vậy nhưng khi có thể, bà Tâm vẫn mở lòng giúp đỡ mọi người để nhận về cho mình một chút niềm vui. Cách đây 3 năm, bà Trần Thị Loan, hàng xóm của bà Tâm, bị mắc bệnh tim và có những lần ốm “thập tử nhất sinh”. Dù được bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay van tim nhưng gia đình chưa có đủ số tiền thực hiện nên sức khỏe bà Loan ngày càng yếu. Khi biết được điều đó, bà Tâm đã đi vận động kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Nhưng muốn làm người tử tế khó chứ chả dễ! Lần đầu đi vận động, nhiều người hồ nghi bà Tâm xin tiền về cho gia đình chứ từ thiện gì. Có người còn nói bà là kẻ điên khùng vì nuôi mình chưa xong còn “vác tù và” lo chuyện thiên hạ. Bà Tâm không buồn mà suy nghĩ tới việc tham gia Hội Chữ thập đỏ địa phương thì mới tạo được niềm tin, thuyết phục được mọi người. Sau khi trở thành tình nguyện viên, bà đi vận động người thân, bạn bè và bà con trong làng, ngoài phố giúp đỡ bà Loan. Mỗi người giúp một chút cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm đấy, bà Tâm vận động được hơn 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình bà Loan thực hiện thành công ca phẫu thuật tim (tổng chi phí 70 triệu đồng). Trông thấy bà Loan khỏe mạnh, có thể sang nhà mình chơi, bà Tâm cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

 

Làm công tác từ thiện bắt đầu đến với bà Tâm như thế. Rong ruổi công việc này đến nay đã được 3 năm, mỗi khi đi đâu, làm gì bà Tâm đều tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn ở đó. Bà đích thân tìm hiểu địa chỉ, xin ý kiến xác nhận chính quyền địa phương và tự mình kêu gọi, vận động các tổ chức và cá nhân có tấm lòng từ thiện giúp đỡ. Đến nay, bà Tâm đã vận động tặng 200 suất quà cho người nghèo, tổng trị giá 60 triệu đồng, bao gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm như gạo, bột ngọt và mỳ tôm; ủng hộ địa phương 12 xe chở đá sửa chữa lại đoạn đường vào xóm bị hư hỏng. Riêng năm 2016, bà Tâm đã hỗ trợ một năm gạo (1,2 tạ), trị giá 1,4 triệu đồng cho gia đình chính sách - ông Phạm Bình Minh ở tiểu khu Giang Tân, thị trấn Giang Tiên.

 

Bà tâm sự: “Nếu như khổ ải cho tôi thấy giá trị của hạnh phúc thì đói nghèo giúp tôi hiểu hơn về phẩm giá con người. Đói cho sạch - rách cho thơm, càng nghèo đói càng phải giữ gìn nhân cách và lòng tự trọng”. Bà Tâm bộc bạch như thế khi chúng tôi nhắc lại câu chuyện bà nhặt được hơn 100 triệu đồng đem trả lại cho người bị mất - chị Nguyễn Thị Phương Thảo, ở xã Sơn Cẩm, cách đây 3 năm. Cũng vì ân nghĩa ấy mà chị Thảo lâu nay vẫn ghé qua thăm hỏi bà Tâm, coi bà như ân nhân của gia đình. Chị Thảo cho hay: “Khi được cô Tâm trao tận tay nguyên vẹn số tiền 135 triệu đồng để trong chiếc túi xách mà tôi đánh rơi dọc đường, tôi mừng như vừa chết dii sống lại. Số tiền đó tôi tích góp nhiều năm để lo chữa bệnh cho mẹ. Nếu không phải cô Tâm nhặt được không biết nhà tôi có cơ hội lấy lại số tiền và mẹ tôi có thể chữa khỏi bệnh, khỏe mạnh đến bây giờ. Gia đình tôi có ý nguyện biếu cô Tâm một chút tiền để tỏ lòng biết ơn nhưng cô nhất quyết từ chối”. 

 

Câu chuyện của bà Tâm gợi lại trong tôi hình ảnh của ba chị em tật nguyền Vũ Thị Huệ, Vũ Thị Hồng và Vũ Văn Hào, ở xã Hương Vỹ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, bị teo cơ toàn thân nhưng xin hiến giác mạc trước khi chết để tặng “kiếp sống mới” cho người khác. Đó là những việc làm cảm động về lẽ sống tử tế và khát vọng cống hiến của những con người bé nhỏ.