Gần gũi, cởi mở và tận tình với bệnh nhân là những gì chúng tôi cảm nhận được trong lần đầu gặp gỡ bác sĩ Quân y - Thầy thuốc ưu tú Trần Duy Tỵ (sinh năm 1953) tại xóm Long Vân, xã Bình Sơn, T.P Sông Công.
Chúng tôi đến phòng khám gia đình của ông Trần Duy Tỵ vào một ngày mưa. Những cái bắt tay thân mật và nụ cười ấm áp, thân thiện của ông cùng những câu chuyện về năm tháng chiến tranh đã giúp chúng tôi hiểu hơn về con người ấy. Ông Tỵ lên đường nhập ngũ vào tháng 8-1971 và nhận công tác tại Sư đoàn 325. Đến năm 1972, ông tham gia trận chiến Quảng Trị 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Bị thương, ông được chuyển ra Bắc để điều trị và theo học tại Học viện Quân y, chuyên khoa Nội. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp, ông được nhận vào công tác tại Bệnh viện Quân y 91. Quá trình công tác, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những cống hiến của mình trong ngành Y, năm 2001, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”.
Mặc dù nghỉ hưu nhưng ông Tỵ vẫn luôn lấy chữ đức làm trọng. Năm 2012, thể theo nguyện vọng của nhiều người dân trong xóm, xã, ông Tỵ đã mở phòng khám tại nhà. Riêng với hộ nghèo, người già, trẻ em, người khó khăn, ông điều trị miễn phí những bệnh đơn giản. Ông tâm sự: Bình Sơn vốn là một xã khó khăn của T.P Sông Công, người dân có thu nhập thấp nên việc mở phòng khám tại nhà đối với tôi không phải vì mục đích kiếm thêm thu nhập. Mục đích của tôi là khám giúp bà con những bệnh thông thường để bà con đỡ phải đi xa hoặc chẩn đoán sớm các bệnh nguy hiểm, tư vấn cho bà con sớm đi khám, điều trị tại các bệnh viện lớn.
Phòng khám của ông Tỵ trung bình một ngày có khoảng 10-15 bệnh nhân tới khám. Bất kể sớm, tối, cứ hễ có bệnh nhân, ông đều tận tình giúp đỡ. Những bệnh nhân bị nặng, không thể trực tiếp đến khám hoặc điều trị, ông Tỵ sẵn sàng đến tận nhà để giúp họ. Sau gần 5 năm hoạt động, phòng khám của ông đã trở thành địa chỉ tin cậy không chỉ của người dân trong xã mà còn của một số xã, phường lân cận. Bà Ninh Thị Oanh (61 tuổi), có hoàn cảnh khó khăn ở phường Mỏ Chè chia sẻ: Lâu nay, tôi bị chèn dây thần kinh khiến hai chân đi lại rất khó khăn. Qua lời giới thiệu của một người bạn, tôi biết đến phòng khám của ông Tỵ nên đã đến đây điều trị được hơn 10 ngày nay. Sau khi được ông Tỵ kiểm tra bệnh tình, thực hiện xung điện hằng ngày, đến nay, tôi đã có thể đi lại dễ dàng hơn và không còn cảm giác tê bì hai chân. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, tôi được bác sĩ Tỵ thăm khám tận tình và số thuốc tôi đang uống cũng hoàn toàn được miễn phí.
Không chỉ tận tâm giúp đỡ bà con mà ông còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng xóm Long Vân: Ông Tỵ là người sống có trách nhiệm với bà con, làng xóm. Còn nhớ vào thời điểm năm 2009-2010, đời sống của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, nhận thấy nhà văn hóa của xóm đã cũ hỏng, ông Tỵ là một trong những người đi đầu vận động đóng góp xây dựng nhà văn hóa mới. Nhà văn hóa xóm là nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của xã Bình Sơn.
Có thể nói, những đóng góp mà ông Tỵ đã và đang làm cho bà con địa phương là rất đáng trân trọng. Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay rất cần nhiều những tấm lòng như ông Tỵ.