Người hiến đất mở đường ở Na Pặng

10:51, 07/07/2017

Ông Nguyễn Văn Hải, xóm Na Pặng, xã Ôn Lương (Phú Lương) nói với chúng tôi: “Làm đường là cho bản thân gia đình, rồi con cháu mình mai sau được hưởng. Đất vườn bãi quý thật đấy, nhưng nếu không có đường giao thông thuận lợi thì cũng chẳng có nhiều giá trị”.

Nhà ông Nguyễn Văn Hải mãi cuối xóm Na Pặng, vị trí giáp ranh giữa 3 huyện Phú Lương, Định Hóa và Đại Từ. Tuyến đường vào nhà ông đang trong giai đoạn thi công, lại bị mưa lên tục trong mấy ngày qua nên rất lầy lội khiến xe máy phải nhích từng chút một. Gặp chúng tôi, ông Hải cười vồn vã: Đường thế này đã dễ đi nhiều rồi đấy, chứ mấy năm trước gặp trời mưa gió thì vào nhà tôi chỉ có cách duy nhất là đi bộ.

 

Đầu năm nay, khi có chủ trương đầu tư tuyến đường bê tông liên xóm để nối sang Đại Từ và Định Hóa, người dân Na Pặng ai cũng vui mừng. Ngặt nỗi, đây là tuyến đường hoàn toàn mới nên diện tích đất phải hiến là tương đối lớn. Riêng phần đi qua vườn bãi của gia đình ông Hải là gần 3.200m2. Đây đều là đất vườn và một phần chè đang cho thu hoạch. Sau khi bàn bạc với các thành viên trong gia đình, ông quyết định hiến toàn bộ diện tích mà tuyến đường đi qua. Người đàn ông dân tộc Tày năm nay 60 tuổi bộc bạch: “Cái lợi cho cá nhân thì ai cũng cần, nhưng làm đường để phục vụ bà con, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương thì có hiến nhiều hơn nữa gia đình cũng không tiếc. Tôi nghĩ làm đường là vì lợi ích lâu dài, còn hiến đất cũng là một cách làm gương cho con cháu sau này học tập ý thức sống vì tập thể”.

 

Không chỉ hiến đất, gia đình ông Hải còn tiên phong đóng góp để làm đường giao thông. Còn nhớ năm 2015, khi xóm Na Pặng được đầu tư làm hơn 2.600m đường trục theo Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù không được hưởng lợi trực tiếp (vì nhà cách tuyến đường gần 500m) nhưng ông Hải vẫn là hộ đầu tiên đóng đối ứng với số tiền 23 triệu đồng. Ông kể: Gia đình tôi có 3 thế hệ với 10 nhân khẩu nên phần đối ứng tương đối lớn. Đợt đó, tôi vừa khai thác một khoảnh rừng trồng, dồn thêm tiền bán chè và lứa lợn là vừa đủ đóng góp. Tôi nghĩ Nhà nước đã đầu tư đến 80% giá trị rồi, không có lý nào người dân không đối ứng được một phần. Vả lại nếu không đóng góp sớm, cơ hội qua đi thì người dân Na Pặng sẽ không bao giờ có khả năng tự làm đường được nữa.

 

Bà Vũ Thị Ninh, Trưởng xóm Na Pặng nhận xét: Nhờ sự gương mẫu, nhiệt tình của những hộ như gia đình ông Hải nên việc triển khai các công việc tập thể của xóm đều rất thuận lợi. Trong năm 2015, người dân trong xóm đã đối ứng hơn 900 triệu đồng để thi công tuyến trục xóm. Còn năm nay 13 hộ đã hiến hơn 10.000m2 để mở đường mới. Hiện ông Hải còn là thanh tra nhân dân của xóm, hội viên Hội Cựu chiến binh và Nông dân. Ở cương vị nào ông cũng nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Với những đóng góp tích cực cho tập thể, ông Hải vừa được Huyện ủy Phú Lương khen thưởng là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2017.