Giành lại sự sống cho người con nuôi

11:19, 28/03/2018

Mọi người đều bảo bà Đinh Thị Thương, tổ dân phố Đá Mài, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) có tấm lòng nhân ái khi bà nhận một chàng trai tàn tật nằm liệt một chỗ, cơ thể lở loét, nhiều phần phân hủy về chăm sóc như đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Nghe câu chuyện về quá trình bà đấu tranh giành giật sự sống cho đứa con nuôi đầy vất vả, lo lắng và đau đớn, không ai có thể ngăn nổi những giọt nước mắt…

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

 

Chàng trai bà Thương nhận nuôi Phạm Văn Hảo, đây là hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Hảo năm nay 29 tuổi, là chàng trai khôi ngô, hiền lành, quê ở xóm Lược 2, xã Phục Linh (Đại Từ). Mồ côi mẹ từ khi 9 tuổi., nhà nghèo, bố  thường xuyên đau ốm nên Hảo sớm phải nghỉ học đi làm thuê phụ giúp gia đình. Hảo làm thuê ở một mỏ đá gần nhà, năm 2008, Hảo bị đá đè vào người làm gãy cột sống và đứt tủy sống và bị liệt nửa người phía dưới. Hai tháng sau tai nạn, bố Hảo lại qua đời, để lại em bơ vơ một mình với những vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn. Kể từ đó, Hảo nằm thoi thóp một mình với cơ thể lở loét, dưới gầm giường giòi nhặng lổm ngổm do chất thải và dịch chảy ra khiến căn chòi nhỏ vốn tối tăm lại bốc mùi hôi thối. Em chỉ có thể nhận biết ngày, đêm qua ánh sáng từ chiếc cửa sổ cạnh giường nằm. Đến bữa hàng xóm mang cho bát cơm để duy trì sự sống. Cứ thế 5 năm liền Hảo chưa ra khỏi giọt gianh nhà mình, những tưởng sẽ nằm một chỗ cho đến khi trút hơi thở cuối, nhưng một ngày định mệnh đã mang “mẹ Thương” đến cho em.

Đó là năm 2010, một số giáo dân Giáo xứ Đại Từ đến thăm Hảo, trong đó có bà Thương. Nhìn cảnh ngộ của em, bà Thương đã khóc và không ngần ngại lau chùi những vết thương nhầy nhụa dịch và phần da thịt bị hoại tử cho em. Kể từ đó, hình ảnh Hảo cứ ám ảnh bà, theo bà hằng ngày, nên thỉnh thoảng bà lại sang lau rửa và đem thức ăn cho Hảo. Do nhà bà cách nhà Hảo tới 8km, nên bà đã đề nghị Cha xứ đón về Giáo xứ chăm sóc. Sức khỏe của Hảo ngày càng yếu, bà lo lắng đêm hôm, Hảo không có người chăm sóc sẽ xảy ra chuyện không may nên bà lại xin Cha cho mang Hảo về nhà để tiện chăm sóc. Được sự đồng ý, năm 2015, bà chính thức làm thủ tục nhận Hảo làm con nuôi, nhập khẩu và đón Hảo về nhà mình.

Về phần bà Thương, dường như cái tên đã nói lên tất cả con người bà. Bà là một phụ nữ công giáo có gương mặt phúc hậu, ánh mắt nhân từ, giọng nói nhẹ nhàng ấm áp. Sinh ra và lớn lên ở Đại Từ, cả đời bà chỉ gắn với mảnh ruộng, nương chè ở đây, gia cảnh bà cũng chẳng lấy gì làm khấm khá, sau khi lấy chồng, trải qua nhiều nghề như: làm ruộng, trồng chè, tráng bánh cuốn… tằn tiện tích cóp bà mua được trên 800m2 đất vừa làm nhà ở, vừa canh tác. Do chịu thương chịu khó, dần dần bà mua thêm được vài sào đất, mở rộng ruộng nương, cấy lúa, trồng chè. Rồi 5 đứa con lần lượt ra đời, đứa lớn lại bị động kinh từ khi 6 tháng tuổi, nên bao nhiêu tiền bạc ông bà lại đổ vào chữa bệnh cho con, vì thế cuộc sống cứ khó khăn đằng đẵng. Khi quyết định cưu mang Hảo, gia đình bà cũng chẳng có gì ngoài căn nhà mái bằng ông bà tự xây cất, cái bà giàu nhất chính là tình người, là sự thương cảm giữa con người với con người, chính điều đó đã thôi thúc bà và tiếp thêm sức mạnh cho bà vượt qua khó khăn vất vả để đưa vai đón thêm gánh nặng là Hảo.

Một năm 9 tháng ở bệnh viện và những kỳ tích

Ngày mới đưa Hảo về, tình trạng sức khỏe của Hảo rất yếu, vết hoại tử lan rộng, nhiễm trùng và sốt liên miên, mỗi lần lau rửa cho Hảo, da thịt em lại bong tróc từng mảng. Bà Thương đưa Hảo đến bệnh viện lại bị trả về. Xót xa, bà quyết tâm đưa con về Hà Nội chạy chữa với suy nghĩ còn nước còn tát.

Lật giở những trang nhật ký do bà ghi chép toàn bộ quá trình những lần đưa Hảo đi bệnh viện, rồi quá trình điều trị của em, mới thấy tình cảm của bà dành cho em sâu nặng đến nhường nào, tình thương người trong bà bao la biết bao. Với tổng cộng 7 lần vào bệnh viện, hết Viện 108 lại sang Bệnh viện Bạch Mai, lần nào cũng trên 1 tháng trời, bà Thương cứ vạ vật không có lấy một giấc ngủ trọn vẹn, nhiều lúc tưởng quỵ ngã, nhưng thương Hảo bà lại cố gắng gượng. Bà kể, thời gian cam go nhất là năm 2017, với 9 tháng trời ở bệnh viện, hết phẫu thuật cắt bỏ chân lại điều trị nhiễm trùng máu, rồi áp xe phổi, nhiều lần trải qua thập tử nhất sinh. Nhìn con đau đớn, mệt mỏi mà tôi xót xa, lúc này trong tôi chỉ có suy nghĩ duy nhất là bằng mọi giá quyết tâm phải cố gắng hết sức chạy chữa cho con.

Từ quyết tâm đó, một mình bà vừa chăm sóc, lo mọi thứ thủ tục, ăn uống cho Hảo, đi đến đâu, bà Thương cũng vận động sự quyên góp của mọi người để lấy tiền điều trị cho con. Và rồi, những cố gắng của bà đã được ông trời thấu tỏ, trả lại sự sống cho Hảo. Để đổi lấy sự sống ấy, Hảo đã phải phải cắt bỏ đôi chân sát đến khớp háng, lấy phần thịt, da đùi đắp vào mông, sau đó chạy vách để hút dịch ra và hút thịt đầy lên. Do xương sống của Hảo đã hỏng nhiều, nên bác sĩ phải tháo một số đốt, sau đó cố định cột sống với xương cụt. Sau khi từ bệnh viện về, gia đình lại phải tìm người may áo giáp cho Hảo để cố định xương sống và nâng đỡ cơ thể cho cậu, để cậu có thể ngồi được. Giờ đây, em đã có thể tự đi lại bằng xe lăn mà không cần đến người bế.

Chúng tôi gặp Hảo khi sức khỏe đã khá hơn rất nhiều, em đang tỉ mỉ cắt ghép những que tre thành ngôi nhà. Đây là số que tre của một người cùng cảnh ngộ gửi cho Hảo, để Hảo có thể tập làm vừa tạo niềm vui, vừa để học hỏi, có thể sau này đây sẽ trở thành cái nghề để Hảo tạo ra thu nhập cho bản thân. Ngồi trên chiếc xe lăn, gương mặt điển trai luôn nở nụ cười hiền, Hảo vui vẻ chia sẻ: Để có được như hôm nay, em đã nhiều lần chạm đến cửa tử thần. Nhiều lúc, em đã xin mẹ được đầu hàng. Nhưng mẹ nhất định không cho và bắt em phải cố gắng vượt qua. Nhìn mẹ mệt mỏi, em thương mẹ, nhưng mẹ bảo: Mẹ vất vả mấy cũng không bằng sự đau đớn của em, rồi mẹ lại động viên em kiên cường và hôm nay em thực sự được sống. Điều em hạnh phúc nhất là em được gọi mẹ là mẹ, với em tiếng gọi này thiêng liêng hơn ai hết vì sau 30 năm em lại được cất tiếng gọi mẹ và được gọi người phụ nữ tuyệt vời nhất trên cuộc đời là mẹ. Cuộc sống này em phải trân trọng, sống vui vẻ hết phần đời còn lại để không phụ công lao của mẹ, bởi mẹ chính là người đã “sinh ra” em lần nữa.