Cuộc đời lớn rộng, mỗi người có một quan niệm riêng về hạnh phúc. Nhưng với riêng bà Mai Thị Hà, xóm Hái Hoa 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) thì hạnh phúc là được sẻ chia.
Chuyện về bà Hà, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phấn Mễ nhận xét: Bà Hà là một phụ nữ gương mẫu, năng động, hăng hái trước các phong trào địa phương, tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.
Cũng bởi đức tính “Thương người như thế thương thân” mà chính quyền địa phương “quàng” lên vai bà nhiệm vụ công tác hội. Bà bảo: Tôi bắt đầu làm công tác hội phụ nữ xã từ năm 2001 đến cuối năm 2017. Giờ nghỉ hưu, ở nhà phụ chồng cấy lúa, hái chè, chăn gà, làm cây cảnh. Khi rảnh rỗi thì đáo qua chơi với bà con chòm xóm.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố bà Hà là cụ Mai Văn Lý, cán bộ tiền khởi nghĩa, là vị Giám đốc đầu tiên của Mỏ than Phấn Mễ; mẹ là cụ Nguyễn Thị Thoa, được kết nạp vào Đảng từ năm 1948. Dịp 3-2-2018, cụ bà nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Bà Hà nói rủ rỉ: Ngày còn trẻ, bước vào đời tôi có nhiều thuận lợi để thăng tiến, như có thể vào làm việc tại Mỏ than Phấn Mễ, hoặc đi du học, nhưng tôi tự nguyện ở lại xây dựng làng xã bằng việc tích cực tham gia các phong trào cơ sở.
Biết từ chối những bổng lộc “trên trời rơi xuống”. Một quyết định không phải ai là “con, cháu các cụ” cũng có thể làm được. Nhưng đổi lại, bà được người dân trong vùng mến nể. Song với bà thì ở đâu, làm gì cũng phải hết mình, lấy tinh thần trách nhiệm và kết quả công việc làm trọng. Chính vì thế mà trong suốt 17 năm làm công tác Hội, từ Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, bà luôn được hội viên và nhân dân trong vùng tín nhiệm.
- Bà có bí quyết gì đặc biệt để hội viên phụ nữ cũng như nhiều người dân trong vùng tin mến? - Tôi hỏi.
- Bí quyết gì đâu, cứ sống thực bụng mình với mọi người. Ai khó khăn, mình có điều kiện là giúp ngay. Còn về phong trào Hội, thấy gì có lợi cho chị em, cho người dân thì vận động mọi người cùng vào cuộc.
Bà là cán bộ phụ nữ không thích nói lý thuyết. Tôi nghĩ như thế, vì từng công việc cụ thể bà làm đều hướng tới lợi ích cho hội viên. Theo bà: Nếu Hội thật sự mang lại cho hội viên nồi cơm đầy hơn, thì không cần mời chị em cũng tự nguyện tham gia sinh hoạt.
Nhưng để lời nói của mình có trọng lượng, bà hăng hái đi đầu các phong trào phát triển kinh tế gia đình; xây dựng gia đình văn hoá; xây dựng nông thôn mới; phụ nữ ba đảm đang… Nhìn vườn chè xanh mướt trước nhà vừa độ thu hái, bà bảo: Từ hơn 6.000 m2 đất cha mẹ cho, vợ chồng tôi san bạt, cải tạo thiết kế trồng được 1.500 m2 chè; đào 1.000 m2 ao thả nuôi cá; đất còn lại trồng cây ăn quả các loại và làm chuồng trại nuôi hơn 1.000 con gà ta (5 tháng/lứa). Ngoài khu đất này, gia đình tôi còn có 6 sào ruộng cấy 2 vụ lúa. Do đầu tư, chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, hằng năm gia đình tôi thu hoạch được 2,4 tấn thóc, 1 tấn cá, 2,8 tấn chè búp khô, 4 tấn gà thương phẩm. Từ hơn 5 năm gần đây, gia đình tôi tận dụng diện tích sân, vườn nuôi trồng cây cảnh, vừa tăng thêm thu nhập, đồng thời lại là chỗ để bà con chòm xóm qua lại gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế, nuôi dạy con cháu trong nhà.
Nhiều hộ trước đây có kinh tế khó khăn, do được bà Hà giúp đỡ cho vay tiền vốn không lấy lãi; hoặc ứng trước con giống cho hộ nghèo nuôi, khi bán được sản phảm mới lấy tiền giống (trước đây bà Hà nuôi lợn nái sinh sản). Dù việc nhà bận rộn, song bà thường dành thời gian đến với các hộ nghèo trong vùng để động viên, khuyến khích họ cố gắng vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian làm Chủ tịch Hội, bà Hà vận động từng chi hội phân công cho hội viên trực tiếp giúp đỡ nhau về kinh nghiệm đầu tư sản xuất, vốn vay. Bản thân bà cũng thường xuyên đến với các hộ nghèo để vận động hội viên tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, có điều kiện để nuôi con, cháu ăn học thành đạt. Từ những kết quả này, bà Hà ba lần được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.